Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” vừa được Chính phủ ký quyết định phê duyệt với kỳ vọng Việt Nam sớm có hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm giúp quản lý và điều khiển các phương tiện đồng bộ, hiệu quả hơn.
Vẫn khó khắc phục
ITS được hiểu gồm nhiều hệ thống thành phần như: Camera giám sát đường, camera đếm và kiểm soát tốc độ xe, kiểm tra tải trọng xe, hệ thống biển báo thông tin thay đổi… được liên kết chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, có một thực trạng khó khắc phục ở nước ta hiện nay khi áp dụng ITS đó chính là thiếu sự đồng bộ. Đơn cử, được đưa vào khai thác năm 2010, đến nay một loạt vấn đề liên tiếp xuất hiện tại tuyến cao tốc TP HCM -Trung Lương, lộ nhiều bất cập trong khâu quản lý vận hành. Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) vừa phải có kế hoạch để sửa chữa, phục hồi hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này trong năm 2020.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, hệ thống ITS tuyến TP HCM -Trung Lương được đưa vào sử dụng năm 2013 do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt. Năm 2017, hệ thống bị hư hỏng khá nặng, cáp bị đứt, nguồn điện không ổn định, lỗi camera… khiến hệ thống bảng thông tin điện tử, camera quan sát, hệ thống đếm xe gần như bị tê liệt. Việc thuê chuyên gia nước ngoài khắc phục, sửa chữa phần mềm tiêu tốn nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, việc sửa chữa chỉ do các đơn vị trong nước thực hiện nên gặp nhiều khó khăn.
Hay từ năm 2015, hệ thống giám sát xử lý vi phạm ATGT đầu tư theo hình thức xã hội hóa lần đầu được triển khai tại Việt Nam trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn Hà Nội - Phú Thọ. Để việc “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera được nhanh chóng triển khai, giảm áp lực cho lực lượng CSGT trên đường, Tập đoàn FPT đã ứng trước 60 tỷ đồng để lắp đặt, hoàn thiện hệ thống. Sau hơn 2 năm triển khai, việc thí điểm mang lại hiệu quả, hệ thống phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trên tuyến và được lực lượng CSGT dùng để xử phạt. Nhưng do không có cơ chế và tìm được nguồn để hoàn vốn cho Tập đoàn FPT, nên Tập đoàn FPT đã phải tháo dỡ trang thiết bị đã lắp đặt.
Sẽ triển khai ITS tại 100% tuyến cao tốc
Mới đây, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải (GTVT), tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”. Đề án kỳ vọng ITS giúp quản lý và điều khiển các phương tiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, xác định 100% các tuyến cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành ITS. Đến năm 2030, hệ thống ITS được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông đường bộ...
Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (CNTT-Bộ GTVT) Lê Thanh Tùng cho hay, tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.115 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương. Kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc đối tượng tham gia đề án. Kinh phí tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế.
ITS có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo ATGT, giúp cơ quan quản lý phản ứng kịp thời với các sự cố trên cao tốc. Bên cạnh đó, người dân lưu thông cũng sẽ tiếp cận được dịch vụ thông tin thông suốt. Hiện tại, trong số 1.000km cao tốc hiện có, một số đoạn đã được đầu tư hệ thống ITS như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM -Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây.
Trong 5 năm tới, các tuyến cao tốc mới như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai cũng sẽ được đầu tư hệ thống ITS song hành cùng quá trình xây dựng. Đối với những tuyến chưa đầu tư như Hà Nội - Lào Cai, đề án cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh.