Bên cạnh những lợi ích khi sân bay được nâng cấp về quy mô, vẫn tồn tại một số vấn đề cần được xem xét thấu tình đạt lý khi triển khai dự án, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực không mong muốn đến lĩnh vực du lịch - hàng không Côn Đảo.
Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Côn Đảo có thể đóng cửa từ tháng 4 đến tháng 12/2023 để sửa chữa mở rộng theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2030. Bộ 4 nhóm dự án thành phần sẽ được triển khai đồng bộ với với tổng mức đầu tư hơn 3.794 tỷ đồng,
Cụ thể, các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn sẽ do Cục Hàng không làm chủ đầu tư. Đài kiểm soát không lưu, hệ thống trạm khí tượng hàng không do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm đầu tư. Công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung như đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Riêng dự án kho xăng dầu hàng không sẽ triển khai hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về lâu dài khi sân bay được nâng cấp về quy mô, vẫn tồn tại một số vấn đề cần được xem xét thấu tình đạt lý khi triển khai dự án. Trong số đó, có thể kể đến thời gian triển khai kéo dài, tác động môi trường và nguy cơ làm “lỡ nhịp” phục hồi du lịch ngay thời điểm cần bứt tốc hậu Covid.
Dự án cần thực hiện đồng bộ nhưng khó khả thi
Theo Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo, hạng mục do ACV làm chủ đầu tư đến nay chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 của đơn vị này. Nếu ACV chưa triển khai đầu tư sân đỗ thì sân bay sẽ không còn sân đỗ tàu bay. Việc khai thác tại Côn Đảo không thực hiện được và đồng nghĩa với việc dự án sửa chữa sân bay sẽ trở nên không khả thi.
Theo quy hoạch sân bay Côn Đảo đã được phê duyệt, cần thiết phải triển khai đồng bộ 4 dự án. Việc ACV chưa triển khai các hạng mục trên sẽ ảnh hưởng đến tổng thể dự án phát triển đồng bộ sân bay Côn Đảo.
Lãnh đạo Cục Hàng không đã đề nghị Bộ GTVT làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để đề nghị ACV đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ theo quy hoạch được duyệt.
Theo ước tính của lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, chỉ riêng hạng mục nhà ga để thi công đã mất từ 12-15 tháng.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các hạng mục của ACV, nếu không được tiến hành đồng bộ và song song với ba hợp phần còn lại, có khả năng sẽ kéo dài tổng thời gian dự án so với dự kiến, đồng thời làm gián đoạn kế hoạch khai thác của cảng nói riêng cũng như các hãng hàng không, lữ hành nói chung.
“Không nên đón khách bằng mọi giá”
Không phải ngẫu nhiên mà một số hạn chế hạ tầng sân bay ở Côn Đảo đã tồn tại qua hàng chục năm. Một trong những lý do quan trọng nhất xuất phát từ đặc thù hình thái và vị trí địa lý của hòn đảo.
Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar của thế giới và là Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Các chuyên gia môi trường đều nhận định hệ sinh thái tự nhiên ở Côn Đảo rất nhạy cảm với sự can thiệp của con người. Vì vậy, mọi tác động và can thiệp vượt quá khả năng đáp ứng của nó sẽ gây ra sự đảo lộn nghiêm trọng và phá hủy môi trường thiên nhiên.
“Các hoạt động phát triển vì thế phải rất thận trọng, được đánh giá tác động kĩ lưỡng, thân thiện với môi trường cũng như phù hợp với hệ sinh thái biển và trên cạn của Côn Đảo”, UNDP Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo.
Trước đây, đề xuất kéo dài đường cất hạ cánh sân bay Côn Đảo từng được đưa ra bàn thảo nhiều lần. Nhưng đáng lưu ý, sân bay này nằm ở vị trí cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh, nên nếu muốn kéo dài đường cất hạ cánh hay lắp hệ thống đèn, đều buộc phải lấn biển. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã đánh giá tính khả thi của kế hoạch này xét về mặt kỹ thuật, công nghệ, song thừa nhận có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của đảo.
Thêm vào đó, việc dự án nâng cấp sân bay có khả năng sẽ làm gia tăng lưu lượng khách tới Côn Đảo lên gấp 5 lần chỉ sau 8 tháng, cũng tiềm tàng những vấn đề liên quan đến tình trạng "quá tải du lịch" (overtourism) mà địa phương sẽ phải đối mặt. Đặc biệt nếu xét tới khả năng hạ tầng du lịch, lưu trú tại địa phương không theo kịp sự mở rộng của tuyến giao thông đường không.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch - Tổng cục Du lịch từng nhận định vẻ hoang sơ và hệ sinh thái tự nhiên của Côn Đảo là di sản mà thiên nhiên ban tặng, nếu mất đi thì không thể lấy lại.
Bởi vậy, địa phương phải có quy hoạch cụ thể, tính toán kỹ đến sức chứa hạ tầng du lịch. Đồng thời, các tác động đến môi trường cần được đánh giá thận trọng, kĩ càng và toàn diện từ nhiều góc độ.
"Tôi mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá, cần một số lượng đảm bảo", Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch nói.
Bỏ lỡ “thời điểm vàng”?
Sau 2 năm dài ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam vừa mới chính thức mở cửa toàn phần du lịch trở lại từ 15/3. Thời điểm mở cửa này đã được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là “thời cơ vàng” để du lịch hồi phục toàn phần. Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch là nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam. Và Côn Đảo đang sở hữu mọi điều kiện để trở thành điểm đến tiêu biểu trong số đó, góp phần nâng tầm vị thế du lịch của đất nước với khu vực.
"Tại sao phải đến Phuket, Bali trong khi Việt Nam có Côn Đảo? Hòn đảo là lựa chọn hoàn hảo cho những vị khách muốn tìm kiếm sự nghỉ dưỡng kín đáo riêng tư” là câu hỏi đại diện thương hiệu Six Senses, đơn vị trực thuộc tập đoàn khách sạn đa quốc gia IHG từng đặt ra, cho thấy tiềm năng của Côn Đảo được đánh giá rất khả quan.
Theo dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch đến Côn Đảo dự kiến đạt khoảng 2,2 triệu khách/năm, một con số khá lớn.
Hiện nay, sân bay Côn Đảo đã có mạng lưới đường bay thẳng kết nối từ cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, cho phép hành khách có đa dạng lựa chọn, tối ưu kế hoạch di chuyển, tiết kiệm đáng kể thời gian so với việc phải trung chuyển nhiều phương tiện. Sự thuận tiện của giao thông hàng không càng có ý nghĩa quan trọng khi có tới 90% du khách ghé thăm Côn Đảo đến từ miền Bắc.
Theo thống kê, sau khi mạng bay thẳng đến Côn Đảo được mở rộng, sân bay Côn Đảo đã đón gần 221.000 lượt khách trong quý I/2021, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị khai thác tour du lịch đến Côn Đảo cũng cho biết ngay sau quyết định mở cửa, du lịch Côn Đảo đã nhanh chóng khôi phục về mức trước dịch. Các chuyến bay đến Côn Đảo thường xuyên kín khách, đặc biệt từ Hải Phòng, Thanh Hóa…
Do đó, việc đóng cửa sân bay từ đầu năm 2023 – năm bản lề của giai đoạn bình thường mới hậu Covid - thay vì một vài năm tiếp theo, có thể xem như một "cú đánh bồi" sau khủng hoảng đối với hoạt động của các đơn vị vận chuyển, lữ hành, du lịch, nghỉ dưỡng đang hoạt động tại Côn Đảo.
“Khác với các địa danh du lịch khác khi hành khách có thể chỉ ghé thăm một lần để khám phá, khách đến Côn Đảo dễ trở thành khách ‘quen thuộc’ do ghé thăm đều đặn hàng năm để du lịch tâm linh. Tháng 4 đang trong giai đoạn cao điểm du lịch, nếu thời gian đóng cửa sân bay kéo dài đến 8 tháng sẽ còn chồng lấn lên cao điểm du lịch tâm linh cuối năm, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của các đoàn khách”, đại diện đơn vị lữ hành Cường Thịnh Gia Travel phân tích.
Đại diện công ty du lịch Hanotour cũng đánh giá việc sửa đổi, nâng cấp sân bay Côn Đảo sẽ giúp tăng tần suất bay, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Nhưng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, dự án nâng cấp sân bay cần được tính toán kỹ lưỡng và có giải pháp thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, thay vì gián đoạn và kéo dài thời gian.
Có thể nói, việc sửa chữa, nâng cấp sân bay Côn Đảo hướng tới phát triển lâu dài là việc cần làm. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm tiến hành rất cần đến sự tính toán linh động, phù hợp và phương pháp tiếp cận mang tính đồng hành với các doanh nghiệp và người dân địa phương.