Một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter đã tấn công thủ đô Port Vila của Vanuatu vào ngày 17/12, gây ra "thiệt hại đáng kể" cho một số tòa nhà.
Trong số những tòa nhà bị thiệt hại có cả một phái bộ ngoại giao chung, những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.
Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra cách thủ đô Port Vila 30 km về phía tây ở độ sâu 57,1 km, và sau đó là một trận dư chấn mạnh 5,5 độ Richter.
Hệ thống Cảnh báo Sóng thần Mỹ đã hủy bỏ cảnh báo sóng thần ban đầu cho quốc đảo Nam Thái Bình Dương gồm 80 hòn đảo, nơi sinh sống của khoảng 330.000 người.
Thông tin về mức độ thiệt hại đã bị ngắt quãng do thông tin liên lạc bị gián đoạn, khi các đường dây điện thoại và trang web của chính phủ bị sập, nhưng các báo cáo về sự tàn phá trên diện rộng đã bắt đầu xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội trong những giờ sau trận động đất.
Người phát ngôn của Hội Chữ thập đỏ tại Fiji cho biết, các nhân viên trên mặt đất đang báo cáo thiệt hại đáng kể. Hiện chưa có báo cáo xác nhận về số người tử vong.
Care Australia, một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, cho biết trong một tuyên bố rằng, nhiều tòa nhà lớn đã sụp đổ ở Port Vila, điện bị cắt và nước đã bị cắt ở hầu hết thủ đô.
Theo Bộ Ngoại giao New Zealand, tòa nhà là nơi đặt trụ sở của một số phái bộ ngoại giao tại Port Vila – bao gồm các phái bộ của Mỹ, Anh, Pháp và New Zealand – đã bị hư hại đáng kể. Một phát ngôn viên cho biết các quan chức đang trong quá trình kiểm kê nhân viên của Cao ủy New Zealand.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Papua New Guinea, Mỹ đã đóng cửa Đại sứ quán tại Vanuatu do "thiệt hại đáng kể" đối với phái bộ của mình. "Đại sứ quán Mỹ tại Port Vila đã chịu thiệt hại đáng kể và sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến tất cả mọi người bị ảnh hưởng bởi trận động đất này", trích tuyên bố trên mạng xã hội của Đại sứ quán Mỹ tại Papua New Guinea.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã phát biểu trong một tuyên bố trên X: “Người dân Australia đang nghĩ đến những người bạn và hàng xóm ở Vanuatu sau trận động đất tàn khốc. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hỗ trợ người dân Vanuatu bằng bất kỳ cách nào có thể”.
Giáo sư Meghan Miller từ trường nghiên cứu khoa học trái đất tại Đại học Quốc gia Australia cho biết, trận động đất xảy ra tại một khu vực có hoạt động địa chấn mạnh và có khả năng “thiệt hại vừa phải”.
“Khu vực này, nơi các mảng kiến tạo hội tụ là một trong những ranh giới mảng kiến tạo hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới. Tâm chấn động đất khá sâu, khoảng 57 km, điều đó có nghĩa là không có khả năng xảy ra sóng thần. Tuy nhiên, hòn đảo đã trải qua cơn rung lắc rất mạnh, có khả năng gây ra thiệt hại vừa phải cho các công trình kiến trúc”, bà Miller nói.