Sáng nay (3/3), một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, địa phương nằm giáp với Hà Nội.
Cụ thể, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, vào lúc 1h09 (giờ GMT) ngày 3/3 tức 8h09 (giờ Hà Nội) ngày 3/3, một trận động đất có độ lớn 3.2 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.215 độ vĩ Bắc, 105.554 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 16km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Người dân sống trong khu vực có thể cảm nhận được rung chấn nhẹ từ trận động đất này. Khu vực xảy ra động đất nằm giáp với nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội như Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh.
Mới nhất trong sáng nay, lúc 4 giờ 49 phút 54 giây rạng sáng 3/3, một trận động đất có độ lớn 4.4 cũng xảy ra tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Trước đó vào đêm 1/3, một trận động đất có độ lớn 3.0 cũng xảy ra tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi 2 trận động đất xảy ra vào sáng nay.
Theo các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, dù không nằm trong vành đai động đất Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines nhưng trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều khu vực có đứt gãy hoạt động mạnh. Đáng quan tâm nhất là Tây Bắc. Nơi đây có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Trả lời Báo Tiền Phong, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, Hà Nội và các khu vực lân cận nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, theo số liệu của Viện Vật lý địa cầu, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1 - 5,5 độ. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.
Ông Xuân Anh đề nghị người dân những vùng có nguy cơ động đất cao như khu vực Tây Bắc cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vật lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.
Ông Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương, nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình.