Huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu. Do địa hình rộng lớn và chia cắt mạnh bởi các con sông, suối, nên việc đi lại của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ. Chính vì thế những năm qua huyện này đã tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông.
Việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông là đáp ứng khát vọng của đồng bào vùng cao nơi đây, họ mong ước có tuyến đường vững chãi để thuận tiện đi lại, không bị chia cắt bởi mùa mưa, lũ và để vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo bền vững. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Vì thế trong những năm qua, huyện Đông Giang được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông. Đến nay, cơ bản các tuyến giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa. Những cây cầu cũ, ngầm tràn là “điểm đen” ngập lụt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nay được xóa bỏ, giúp người dân đi lại an toàn.
Nói về vấn đề này, ông A Lăng Cha, xã Jơ Ngây, Đông Giang, Quảng Nam cho biết: “Hồi xưa chưa có đường như bây giờ thì bà con chúng tôi đi lại rất chi là cực khổ, phải lội qua suối, qua sông, phải băng qua rừng, mừa mưa lũ luôn đối diện với nỗi sợ lũ quét, sạt lở núi, lo lắm. Từ khi Nhà nước làm đường giao thông mới, cầu cống khang trang, rộng rãi, bà con đi lại rất thuận lợi. Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm này của Nhà nước, chính quyền địa phương”.
Còn chị Đinh Thị Thu, người dân địa phương cho rằng: “Có con đường rộng, cây cầu vững chãi, con em tới trường, người lên nương rẫy rất an tâm. Nhất là vào mùa mưa, lũ không còn sợ cảnh qua sông, suối bị nước lũ cuốn trôi, vận chuyển hàng hóa về thôn, bản cũng dễ dàng thuận lợi, người dân chúng tôi cảm thấy không còn xa với vùng xuôi nữa. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong Nhà nước tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng những con đường để người dân, địa phương ngày càng làm ăn dễ dàng, phát triển kinh tế”.
Có được kết quả trên, chính là nhờ sự chủ động, linh hoạt huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Theo đó, huyện Đông Giang đã thực hiện kiên cố hóa hơn 12 km mặt đường huyện, các tuyến đường liên thôn với chiều dài gần 11 km, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Các tuyến Zà Hung - A Rooi, tuyến Zà Hung - Jơ Ngây, Kà Dăng - Mà Cooih đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao Đông Giang.
Ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Giang, Quảng Nam cho biết, cụ thể nhất là chương trình kiên cố hóa các tuyến ĐH và giao thông nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 và phục vụ phát triển dược liệu đã tạo điều kiện cho hệ thống giao thông của huyện kết nối được với trung tâm các xã, các thôn. Qua đó tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, mua bán hàng hóa trên địa bàn.
“Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Đông Giang chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết điểm đến để hình thành các vùng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa. Để đạt mục tiêu này, việc từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, đường dân sinh luôn là ưu tiên của huyện”, ông Huy nói.
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, ông A Vô Tô Phương cho rằng: “Hạ tầng là điều kiện, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó huyện đã đề xuất nhiều danh mục để tỉnh hỗ trợ đầu tư các danh mục cần thiết, đó là những dự án giao thông liên vùng, kết nối các xã và vùng sản xuất. Khi phát triển hệ thống giao thông vừa phục vụ cho các khu dân cư vừa phục vụ phát triển các vùng sản xuất của người dân”.
Từ các nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia như Nghị quyết số 88 của Quốc hội; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho đồng bào, huyện Đông Giang tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn để mở rộng, hoàn thiện mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn, mở đường đến các vùng sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Rõ ràng từ một huyện cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông còn nghèo nàn lạc hậu, đến nay nhờ chú trọng đầu tư mà cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông đã phát triển mang tính bền vững, góp phần quan trọng trong việc liên kết vùng để phát triển kinh tế, tạo niềm tin cho người dân địa phương an cư lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là điều rất đáng ghi nhận.