Để tuyên truyền vận động người dân bài trừ hủ tục, hăng hái thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã triển khai xây dựng các mô hình “Dòng họ bình yên”.
Qua việc nhân rộng mô hình, huyện Tủa Chùa đã có những thay đổi rõ rệt về mọi mặt, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững.
Mô hình “dòng họ bình yên” lấy hạt nhân là những người trưởng dòng họ, người uy tín ở các bản làng và được thí điểm triển khai ở một số xã.
Thông qua các trưởng dòng họ, nội dung các quy chế, hương ước được triển khai, tuyên truyền đến tận người dân trong thôn bản, tăng cường giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ và nhân dân trong địa bàn không nghe theo kẻ xấu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất.
Qua vận động một số dòng họ đã cam kết đi đầu thực hiện chủ trương xây dựng mô hình “Dòng họ bình yên” như dòng họ Giàng, Lờ, Sùng ở xã Xá Nhè, dòng họ Thào, Mùa ở xã Sín Chải, dòng họ Vừ xã Trung Thu, dòng họ Sùng, Lý xã Lao Xả Phình…
Tại xã Xá Nhè, nơi từng được coi là vựa trồng thuốc phiện của huyện Tủa Chùa, mang lại bao hệ lụy cho đời sống người dân, cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về xoá bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện, xã Xá Nhè được chọn làm địa bàn thí điểm với dòng họ Giàng ở bản Tằng Dê A.
Khi thực hiện vận động xóa bỏ cây thuốc phiện, đại diện dòng họ Giàng đã tổ chức các cuộc họp tuyên truyền vận động bà con và nhất trí bổ sung điều luật không trồng không buôn bán, không sử dụng thuốc phiện.
Bằng sự vào cuộc quyết liệt từ những người có uy tín, già làng sự đồng tình ủng hộ của bà con mà họ Giàng ở bản Tằng Dê A đã phá nhổ hàng chục ha cây thuốc phiện để trồng các cây nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
Còn tại thị trấn Tủa Chùa, để khuyến khích con cháu học tập ông Vì A Hao- Trưởng dòng họ Vì và những người có uy tín đã xây dựng các quy ước hoạt động phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc.
Đặc biệt dòng họ Vì đã xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu, trong đó phát động đóng góp quỹ 1 triệu đồng/hộ/năm. Dòng họ cũng duy trì đều đặn lễ tuyên dương, phát thưởng, động viên các cháu vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên rèn luyện, học tập tốt.
Chi hội và ban khuyến học dòng họ có sổ vàng truyền thống hiếu học ghi danh các gia đình hiếu học, gia đình văn hoá. Nhờ thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài đến nay 100% các cháu ở độ tuổi đến trường trong dòng họ Vì đều được đi học, nhiều người có trình độ đại học, thạc sĩ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tủa Chùa Hạng A Sử cho biết, từ các “dòng họ bình yên” đầu tiên, đã có hàng chục mô hình thiết thực được các trưởng Dòng họ xây dựng trên tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Và đến nay, mô hình “Dòng họ bình yên” đang được huyện Tủa Chùa nhân rộng và triển khai xây dựng tại 210 dòng họ ở 12/12 xã, thị trấn.Tại mỗi dòng họ đều xây dựng quy ước, hương ước riêng phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc của địa phương mình cùng hướng tới mục đích giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.