Đồng lòng tháo gỡ khó khăn

Tấn Minh 07/11/2023 06:56

Để đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025, ngay từ đầu năm 2023 nhiều địa phương đã đồng lòng, chung sức triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở.

Đời sống người dân huyện Pác Nặm ngày càng được nâng cao. Ảnh: Nguyên Nghĩa.

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần tại một số địa phương còn vướng mắc. Với vai trò là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã nỗ lực tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc đã chủ động, tích cực kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Qua đó, việc triển khai Chương trình tại cơ sở đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tiêu biểu như tại huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn), với đặc thù là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, theo kế hoạch trong năm 2022, huyện được phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên 41 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 21 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 20 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện triển khai 9 Dự án thuộc Chương trình. Ông Ma Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, năm 2023, huyện được phân bổ trên 77,3 tỷ đồng với 8 Dự án. Do đó, với phương châm “khó khăn ở đâu, tháo gỡ ngay ở đó”, Pác Nặm sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Chương trình đảm bảo đúng quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, việc phân cấp phải rõ ràng trong quá trình tổ chức thực hiện, không chồng chéo, không đùn đẩy trách nhiệm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tính đến cuối năm 2022, kết quả giải ngân thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên cả nước đạt hơn 5.721 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 43,58% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế, bởi Chương trình có nội dung rộng, quy mô lớn; nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành cơ quan Trung ương… Do đó, trong quá trình phối hợp, hoàn thiện đòi hỏi nhiều thời gian để bảo đảm đúng quy định.

Để tháo gỡ vướng mắc từ kiến nghị của các địa phương theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Công văn số 405 trả lời kiến nghị của các địa phương về thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nội dung công văn đã nêu rõ các điều khoản hướng dẫn cũng như cách thức thực hiện các dự án. Song song với những giải pháp của Trung ương, các địa phương cũng đã tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chủ động tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình…

Với sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương cho thấy, sự quyết tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Có thể thấy, với những giải pháp thiết thực, cụ thể Chương trình MTQG sẽ thực sự là đòn bẩy phát triển các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng lòng tháo gỡ khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO