Thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và thúc đẩy sự phát triển, phát huy khu vực kinh tế tư nhân, chính là những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là 2 mũi đột phá được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 tuần qua.
Đầu tư cho công nghệ để tạo động lực cho tăng trưởng.
3 đột phá chiến lược
Tới thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu vào kinh tế quốc tế. Điều này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Thách thức đầu tiên phải kể đến đó là Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt đó là nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam nếu không có những động thái cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ.
Ý thức được điều này thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ này Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những kết quả đạt được này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới.
Cụ thể, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng 2018 về chất lượng thể chế, Việt Nam ở vị trí 94/140. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ở thế bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy trong thời gian tới, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúng ta phải tìm ra cách làm hiệu quả và tốt hơn để vượt qua những thách thức này.
“Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển”- Thủ tướng khẳng định, theo đó, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách. Việt Nam sẽ tập trung chuyển đổi số trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hoá và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính. Bên cạnh đó, Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững.
“Chúng tôi luôn hiểu rằng, con người là trung tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Con người và công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn ý nghĩa nếu nếu chúng ta thiếu vắng con người 4.0”- Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời cho rằng, dù hệ thống kết cấu hạ tầng đã được cải thiện nhiều nhưng nhìn chung tính đồng bộ, kết nối còn hạn chế, cần tìm mọi giải pháp khơi thông mọi nguồn lực, tạo lập các cơ chế sáng tạo trong hợp tác công tư để gia tăng nhanh chóng năng lực kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển, nhất là trong kết nối vùng miền, các cụm kinh tế trọng điếm.
“Trong giai đoạn tới, chúng tôi ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế”- Thủ tướng khẳng định.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Ngoài việc tập trung 3 đột phá nêu trên, còn rất nhiều việc phải làm để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới. Đó là tiếp tục thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 bởi đây mới là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Bởi, trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay, thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá nếu biết tập trung vào mũi đột phá này. Ứng dụng công nghệ thông tin là chìa khóa để các quốc gia kém phát triển có thể vươn lên, chạm tay vào sự thịnh vượng, phồn vinh.
Muốn kinh tế phát triển thì không thể quên động lực là khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng cho rằng, cần đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động. Các doanh nghiệp ngành có sức trở mình lớn, không bị vướng nhiều ràng buộc về thể chế và quy mô.
Chính vì vậy, Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Tiếp tục khơi dậy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên. Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thích nghi với sự thay đổi
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng các nước sẽ tiếp tục “mix với nhau”, nghĩa là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa đơn phương, vừa đa phương, không biết ai thắng ai thua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đối diện cục diện lẫn lộn. Do đó chúng ta nên tiếp cận theo hướng “3 trong 1”, nghĩa là một sự việc có 3 việc cần làm.
Ông Vũ Khoan.
Thứ nhất, cần giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế, gia tăng nội lực của đất nước, trong khi tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới. Thứ 2, cần tiếp tục cùng cộng đồng phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu. Cuối cùng là cần thích nghi với thay đổi. Sự thay đổi là ngoài ý muốn của Việt Nam và các nước nên cần phải đề ra biện pháp thay đổi.
“Vì sao phải thích nghi với những sự thay đổi? Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi trật tự thế giới, có nước mới ngoi lên, có nước cũ yếu đi. Việc va chạm có thể xảy ra chiến tranh, nhưng cá nhân tôi mong không xảy ra điều đó. Hiện tại thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, không kém gì Chiến tranh Lạnh. Việt Nam nằm ở khu vực rất nhạy cảm. Tôi cho rằng Việt Nam phải chọn một con đường, chúng ta không phải chọn đứng về ai, mà phải chọn đứng về lợi ích nào. Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa”- ông Vũ Khoan nói..
Còn theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione, muốn phát triển Việt Nam cần gỡ bỏ các điểm nghẽn: Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại.
Ông Ousmane Dione.
Thứ hai, hiện tại còn nhiều hạn chế về tài chính, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai.
Thứ ba, Việt Nam không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Có thể thấy rõ điều này với sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao.
Để thực hiện 4 nội dung ưu tiên này về khu vực tư nhân, ngoài cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực và tăng trưởng xanh, sẽ cần những thể chế của Nhà nước có năng lực và hiệu quả.
Ngoài ra, thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển. Hơn nữa, khi Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, những thách thức phát triển sẽ ngày càng phức tạp và mang tính đa ngành hơn nữa. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban ngành cũng như giữa các cơ quan trung ương và địa phương hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết.
Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Tiếp tục khơi dậy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên. Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh. |