Trà Cú là huyện khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ một huyện nghèo, được đầu tư, hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhờ đó đến đầu năm 2023, huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Huyện Trà Cú có 15 xã và 2 thị trấn, với dân số 147.419 người, trong đó 93.152 người dân tộc Khmer, chiếm 63,19% dân số; là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao nhất của tỉnh. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, là một trong 7 huyện của cả nước được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng.
UBND huyện Trà Cú cho biết, trong năm 2022-2023, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện 3 Chương trình MTQG là 285.447 tỷ đồng. Tỉnh phân bổ cho huyện Trà Cú là 215.647 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 88.686 tỷ đồng; năm 2023 là 126.961 tỷ đồng. Trong đó vốn dành cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), là hơn 126.806 tỷ đồng.
Từ các nguồn lực, tỉnh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn; đối với Chương trình MTQG 1719, có nhiều nội dung thành phần, tiểu dự án, đã được triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống cho đồng bào.
Cụ thể như, thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã giúp hàng trăm hộ đồng bào Khmer ở Trà Cú xây dựng nhà để an cư, chuyển đổi nghề, có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.
Theo thông tin của lãnh đạo huyện Trà Cú, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất thành công, kéo theo nhiều ngành dịch vụ đi kèm cũng phát triển và cùng hưởng lợi.
Ví dụ ở xã Long Hiệp, đã thành lập HTX trồng bắp (ngô) Mỹ, với hơn 60 hộ thành viên, với tổng diện tích canh tác quản lý khoảng 100 ha. Sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, được bảo đảm thông qua hợp đồng giá cố định với các công ty thu mua ký trước. Để có đầu ra với lượng sản phẩm như thế, thì đầu vào cho tư liệu sản xuất cũng không nhỏ, trong đó giải quyết được hàng trăm lao động tại địa phương
Nhờ chủ trương đa dạng các mô hình sinh kế, cùng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào Khmer huyện Trà Cú tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào qui trình sản xuất tăng năng xuất, chất lượng cây trồng vật nuôi, bà con có thu nhập đáng kể, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022, giảm hơn 6,8%, vượt 3,32% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến cuối năm 2023 còn 1.191 hộ nghèo (trong số này, có 736 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm 61,8% so với tổng số hộ nghèo).
Hiện nay, huyện đang tập trung nâng chất và giữ vững các tiêu chí đã đạt, trong đó ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực sinh kế nhằm đảm bảo tiêu chí việc làm, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Từ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cùng đồng bào trong việc thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, hy vọng vùng đồng bào DTTS ở huyện Trà Cú tiếp tục có sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.