Động lực tăng trưởng và thời cơ bứt phá

H.Hương-M.Sang (thực hiện) 01/09/2023 08:22

Tổng cầu thị trường thế giới đã có dấu hiệu hồi phục, mang lại những tín hiệu vui cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, dệt may, gỗ cũng đã tăng cường xanh hóa để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Dự báo những tháng cuối năm nay nền kinh tế sẽ sáng hơn.

Hoạt động xuất khẩu gạo tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương và nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương) Lê Quốc Phương xung quanh vấn đề này.

Vẫn còn nhiều thách thức

PV: Thưa các quý vị, trong thời gian còn lại của năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với những khó khăn, thách thức nào?

Bà Nguyễn Thị Hương.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG: Quý III/2023, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo.

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01 ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2%. Tuy vậy, kết quả cho thấy, kinh tế cả nước 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.

Trước thực tế này, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý tiếp theo, tuy nhiên để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là thách thức lớn, khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: Thực ra các khó khăn của nền kinh tế đã được nói nhiều. Khái quát lại, có ảnh hưởng chung từ tình hình quốc tế, tổng cầu suy giảm khiến sức mua suy giảm, kể cả xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu. Trong nước, Chính phủ cũng đã đánh giá khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm. Lãi suất cao, DN khó tiếp cận vốn...

Ông Lê Quốc Phương

Ông LÊ QUỐC PHƯƠNG: Những khó khăn bên ngoài đã tác động mạnh đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Kinh tế toàn cầu suy giảm và thắt chặt chi tiêu tại nhiều nước khiến nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm. Trong bối cảnh khó khăn đó, số DN phải tạm ngừng hoạt động tăng rất cao. Tuy nhiên, chúng ta phải xem hiện nay tình hình kinh tế thế giới có một số hy vọng, lạm phát bắt đầu hạ tại một số nước, cầu thế giới sẽ phục hồi được phần nào giúp cho các đơn hàng tăng lên.

Một số tổ chức kinh tế thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 xuống mức 5%, xin được nghe bình luận về việc này?

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: Một số chuyên gia, tổ chức kinh tế đưa ra các bình luận về tình hình kinh tế Việt Nam rất khó khăn và vì vậy, tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Do đó, họ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống.

Nhưng họ căn cứ vào đâu để hạ tăng trưởng? Có một điểm như thế này, đó là hoạt động đầu tư nhìn chung chưa đạt được mức kỳ vọng. Theo đó, tổng kế hoạch vốn năm 2023 là trên 808.170 tỷ đồng, bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài các năm trước chuyển sang. Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 6/2023 là trên 223.972 tỷ đồng, đạt 27,27% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7/2023 là trên 284.238 tỷ đồng, đạt 35,17% kế hoạch.

Về giải ngân nguồn vốn thuộc kế hoạch 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 6/2023 là trên 213.083 tỷ đồng, đạt 28,26% kế hoạch và đạt 30,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán đến hết tháng 7/2023 là trên 267.625 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Chỉ mới sang tháng 7, dòng vốn ngoại này mới bắt đầu nhích tăng trở lại, đạt khoảng 16 tỷ USD.

Bên cạnh đó xuất nhập khẩu suy giảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng mới đạt hơn 374 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu 194,7 tỷ USD, giảm 10,6%, nhập khẩu 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ, cán cân thương mại xuất siêu 15,23 tỷ USD. So với kết quả xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 434,5 tỷ USD, thì mức thực hiện của cùng kỳ năm nay đã giảm hơn 60 tỷ USD (xuất khẩu giảm 23,17 tỷ USD; nhập khẩu giảm 37,1 tỷ USD).

Lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Bắc -Nam.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

PV: Vậy mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 là 6,5% liệu có khả thi?

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG: Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của DN và nhân dân trên cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: Như tôi đã nói, khó khăn có, thách thức có nhưng xu hướng kinh tế đang tốt lên. Ở trụ cột xuất nhập khẩu được xem là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế thì các chỉ dấu khó khăn dần được khắc phục. Các thị trường sụt giảm như Hoa Kỳ; EU, Nhật Bản…thì đà giảm đã được khắc phục. Bởi lẽ, đơn hàng đã phục hồi trở lại.

Các ngành từng rất khó khăn như dệt may, thủy sản, gỗ xuất khẩu tăng dần dù chỉ là những đơn hàng nhỏ. Hoạt động xuất nhập khẩu đã hồi phục. Hy vọng, với sự phục hồi mạnh mẽ từ nay đến cuối năm thì kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể bằng hoặc thậm chí có thể tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái.

Ở Bắc Giang có khu công nghiệp đăng thông tin tuyển 10.000 người lao động, nếu ai đi làm được trong tháng 8/2023 còn được công ty hỗ trợ 500.000 đồng và có phương tiện đưa đón. Điều này cho thấy DN có đơn hàng, họ cần lao động để làm việc. Tương tự ở Bình Dương cũng vậy, có DN tuyển hàng nghìn người.

Trụ cột thứ hai là tiêu dùng trong nước, chỉ số hàng hóa tiêu dùng và sản phẩm dịch vụ cuối cùng có mức 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trừ đi lạm phát thì còn khoảng 8,8%, tương đương với 6 tháng của năm 2022. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu cụ thể thì đáng lo. Ví dụ, tháng 1 tăng trưởng của chỉ số này khoảng 20% so với cùng kỳ; tuy nhiên, tháng 2, tháng 3, chỉ số này sụt giảm 14,5%; đến tháng 4, tháng 5, chỉ số này tiếp tục sụt giảm xuống 11,4% so với cùng kỳ; sang tháng 6/2023 thì chỉ còn 6,5%. Rõ ràng tiêu dùng trong nước có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ đang giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, chỉ số này đã tăng trở lại. Mặt khác, trong thời gian vừa qua, chúng ta có rất nhiều các biện pháp kích cầu, như giảm 2% thuế VAT, giảm phí, lệ phí cho các DN sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất… giúp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên và DN có điều kiện hạ giá thành, cũng như triển khai các chương trình khuyến mại, hậu mãi…

Trụ cột thứ ba là đầu tư công. Tỷ trọng so với năm ngoái là tương đối thấp. Nhưng nói về tổng số tiền giải ngân thực sự, tức là số tiền mà các địa phương, bộ, ngành thực hiện thì cao hơn nhiều. Bởi năm nay chúng ta có số vốn cao hơn, mọi năm chỉ hơn 400 nghìn tỷ đồng nhưng năm nay lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, chúng ta cũng hy vọng việc giải ngân sẽ được đẩy mạnh. Đây cũng là trụ cột trong thúc đẩy tăng trưởng GDP. Nhưng muốn thực hiện được thì phải gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương, không để các vấn đề cũ như chậm giải phóng mặt bằng, biến động giá ảnh hưởng tới công tác thi công.

Trụ cột nữa là thu hút vốn FDI cũng đã trở lại, với việc dự án LG Innotek Hải Phòng tăng vốn thêm 1 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 7 tháng đầu năm đã “lội ngược dòng”, bật tăng trở lại sau nhiều tháng giảm liên tục.

Dựa vào các trụ cột đó, theo tôi, chúng ta có 2 kịch bản cho tăng trưởng. Trong bối cảnh bình thường giá xăng dầu biến động ở vùng 75 - 85 USD/ thùng thì GDP vẫn có thể đạt được từ 6,3 - 6,7%. Còn nếu thuận lợi, chúng ta mở rộng được các thị trường cũng như gia tăng được các hoạt động xuất khẩu, cùng với việc thực hiện được khoảng 95% đầu tư công, tiêu dùng trong nước được kích cầu phù hợp do sản xuất kinh doanh đang phục hồi, thu nhập tăng lên cùng với hàng hóa hạ giá, chương trình khuyến mại… dẫn đến tiêu dùng tăng thì tăng trưởng có thể cao hơn.

PV: Các vị có khuyến nghị gì để tăng trưởng đạt được mục tiêu?

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: Trước tiên chúng ta cần nắm lại thị trường truyền thống để từ đó tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được cơ hội. Việc này rất tốt nhưng sẽ rất khó, vì các thị trường này họ không chỉ giảm sức mua mà một số ngành hàng đã quay sang ký đơn hàng với các quốc gia khác.

Thứ hai, là mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Cần sự phối kết hợp giữa các ngành nghề trong nước để giảm được chi phí logistics, lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, để từ đó hạ giá thành và giúp cho giá cả khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh được.

Với các thị trường truyền thống đã bị mất đơn hàng, việc quay lại ngay là khó, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể có những đơn hàng ngắn hạn ở một số ngành nghề, lĩnh vực. Mặt khác, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước đã ký các FTA là cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã ký 17 FTA, nhưng việc tận dụng còn rất khiêm tốn, khoảng 30%. Bộ Công thương, cùng với các thương vụ, đại sứ quán, các hiệp hội ngành nghề, DN lớn bắt tay, tìm hiểu, nắm bắt để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội, thì tăng trưởng cũng sẽ đạt được hiệu quả cao. Điều quan trọng là chúng ta có làm được ngay hay không.

Về FDI, chúng ta phải tuân thủ và tranh thủ thời cơ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Chúng ta có thể hỗ trợ cho DN ngoại bằng tài chính. Thu hút vốn ngoại bằng môi trường đầu tư chứ không thể bằng cơ chế thuế thấp mãi được.

Liên quan đến thị trường trong nước, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nếu con số này đạt được từ nay đến cuối năm và cộng hưởng của tất cả các yếu tố nêu trên thì con số dự báo GDP 6,8 - 7,4% hoàn toàn có thể đạt được.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG: Theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đó là theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng. Điều hành tỷ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng.

Điều hành thống nhất, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vốn, lao động. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu, năng lượng; xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến, giảm thiểu tác động của lạm phát đến đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ… Triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh đang vào vụ thu hoạch.

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao; đánh giá tác động để có phản ứng phù hợp với chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu trong đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN lĩnh vực dịch vụ, du lịch; khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch Trung Quốc; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, liên quốc gia và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Chúng ta phải nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.

Ông LÊ QUỐC PHƯƠNG: Quan trọng nhất là cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt, thực chất hơn những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN đã được ban hành. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được đẩy mạnh hơn nữa để giúp DN giảm thời gian, chi phí sản xuất, cũng như đưa hàng đến người tiêu dùng cuối cùng. Mặt khác, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trân trọng cảm ơn các vị!

Theo GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn. Về đầu tư công, cần thực hiện các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, gồm: nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; điều chuyển vốn cho các dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp. Trong dài hạn, Chính phủ hoàn thiện Luật Đầu tư công cùng các luật khác có liên quan. Đồng thời, xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực tăng trưởng và thời cơ bứt phá