Gần đây, Hà Nội và TPHCM là chủ nhà của các sự kiện âm nhạc trực tiếp (concert). Trong bối cảnh thị trường phục hồi chậm, điểm sáng này được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển cho Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giữa tháng 10 vừa qua, 2 concert “Anh trai say Hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã thu hút hàng chục nghìn người đến TPHCM theo dõi trực tiếp, thu hút khoảng 20.000 người mỗi đêm. Riêng show “Anh trai vượt ngàn chông gai” thông báo bán hết sạch 20.000 vé chỉ sau 90 phút.
Đánh giá về các concert này, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nhìn nhận, không chỉ riêng TPHCM mà đã có một số thành phố lớn vừa qua tổ chức những sự kiện âm nhạc quy mô, tầm cỡ, do chính các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện. Mặt khác, sự tham gia của các nhà tổ chức, quản lý, ngành công nghiệp phụ trợ, nghệ sĩ và cộng đồng khán giả đã thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng và báo giới, của các nhà quản lý cũng như lãnh đạo các cấp.
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, các sự kiện âm nhạc quy mô lớn, chuyên nghiệp cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa tầm vóc quốc tế trên địa bàn thành phố kỳ vọng sẽ giúp “đầu tàu” phát triển hơn nữa. Từ đó, khẳng định là một trong những trung tâm âm nhạc, điện ảnh nói riêng, trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước nói chung, góp phần đóng góp cho sự phát triển của thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và bạn bè quốc tế.
Không chỉ riêng TPHCM, trước đó vào tháng 6/2024, Tuần du lịch Ninh Bình 2024 cũng được mở màn bằng concert quy mô lớn, có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, rapper nổi tiếng trong nước, đã tạo tiếng vang lớn. Nhờ đó, tạo động lực cho sự thành công ngoài mong đợi của hoạt động lớn nhất trong năm, hưởng ứng nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Quay trở lại, 2 concert “Anh trai say Hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” dự kiến sẽ tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm nay, được đánh giá sẽ thu hút rất đông khán giả khắp cả nước. Cùng thời điểm này, live concert “Hồng Nhung hát về Hà Nội” là một trong các dự án đặc biệt, được tổ chức vào cuối tháng 11/2024 của ca sĩ Hồng Nhung, cũng tiếp tục là một sự kiện âm nhạc trực tiếp được kỳ vọng đem về nguồn thu đáng kể cho ngành công nghiệp biểu diễn của Thủ đô.
Hiện nay, công nghiệp biểu diễn là một trong 12 ngành chủ lực trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các sự kiện nghệ thuật biểu diễn trực tiếp, bao gồm âm nhạc, xiếc, múa... ngày càng được tạo điều kiện về cơ chế. Mục tiêu chính của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trong đó, đặt ra yêu cầu tạo ra được sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân. Mục tiêu này càng được tạo động lực vững chắc khi công nghiệp biểu dẫn đang dần có chỗ đứng vững chắc, tạo nguồn thu đáng kể cho đất nước.
Có thể nói, từ chủ trương dài hạn của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam và sự đột phá, sáng tạo từ cơ chế, chính sách của từng địa phương, sẽ giúp công nghiệp biểu diễn trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong những thập kỷ tiếp theo.