Đồng lương và bộ máy

Nam Việt 27/06/2022 07:26

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà với TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) mới đây, ý kiến của lãnh đạo quận cho biết, do áp lực công việc lớn, thời gian làm việc quá tải khiến nhiều cán bộ phường xin nghỉ việc, trong đó có cả một Phó Chủ tịch phường. Như vậy, cùng với việc thời gian qua nhiều nhân viên y tế bệnh viện công xin nghỉ việc, thì đây cũng là vấn đề rất đáng chú ý.

Nhiều ý kiến của thành phố Thủ Đức đã phản ánh thực tế thiếu cán bộ với đoàn công tác Bộ Nội vụ. Trong đó, ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, là khá điển hình. Ông Tuấn cho biết quy mô dân số của phường là 107.000 người, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế là 37 người (và hiện chỉ có 34 người), không đáp ứng được công việc.

Vẫn theo ông Tuấn, thời gian qua số cán bộ liên tục giảm. Trước 2019 có 62 người, hiện còn 34 người. Vì thế cán bộ phường thường xuyên làm việc đến 8-9 giờ tối và cả thứ bảy, chủ nhật. Có người phải đưa con lên phường khi làm việc, việc chăm sóc con cái cũng như hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng.

Từ đó, ông Tuấn kiến nghị Bộ trưởng Nội vụ cũng như thành phố Thủ Đức xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, công chức cho quận, huyện và phường xã phù hợp với thực tế, không cào bằng.

Đáng chú ý, Chủ tịch thành phố Thủ Đức, ông Hoàng Tùng, cũng cho biết sau hơn một năm rưỡi thành lập, do thiếu cơ chế đặc thù nên vận hành vẫn như cấp huyện. Trong khi đó Thủ Đức cần một cơ chế khác biệt cấp huyện để vận hành với một đô thị lớn với gần 1,2 triệu dân. Việc phải giảm 30% biên chế theo quy định là rất khó.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước, thì việc vận hành có khó khăn, vướng mắc là tất yếu, không thể hoàn hảo ngay mà phải hoàn thiện dần. Bà Trà nhấn mạnh phải tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là tạo ra đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc.

“Các đồng chí nói nhiều về tổ chức bộ máy, về nhân lực, nhưng đừng nghĩ nhiều người mới tốt, phải nhận thức ít người nhưng mà tinh”- Bộ trưởng nói.

Ai cũng biết rằng cán bộ phường/xã như thể “làm dâu trăm họ”, việc gì cũng đến tay. Không chỉ ở Thủ Đức (TPHCM) mà các nơi khác cũng gặp khó khăn này, khi mà việc nhiều - người ít. Bài toán của Bộ trưởng Nội vụ đặt ra “phải nhận thức ít người nhưng mà tinh” cũng chính là chủ trương tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, số hóa, đưa công nghệ vào vận hành. Thực tế cũng cho thấy, không ít nơi nhiều người nhưng lại “ngáng chân nhau”, khó làm việc. Tất nhiên, nói như vị Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cũng có cái lý, khi mà quy mô dân số quá lớn thì cũng không nên cứng nhắc định biên, mà phải bố trí thêm cán bộ để làm việc, cũng là để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nhân câu chuyện này lại nhớ một thời gian xã hội xôn xao về chuyện “công chức cắp ô”. Không chỉ ngoài đường mà cả ở nghị trường Quốc hội cũng bàn bạc khá sôi nổi. Có người cho rằng phải có tới 30% công chức, viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Có người lại nói, phải hơn thế, 50%. Lại có người cho rằng chỉ khoảng trên dưới 10% thôi... Tất cả đều chỉ là định tính vì không có một nghiên cứu nào, một báo cáo tổng hợp nào đưa ra con số cụ thể cả.

Song ai cũng thừa nhận bộ máy của ta cồng kềnh nhưng thiếu hiệu lực. Vì thế mới phải cải cách bộ máy, tinh giản biên chế.

Cũng từ đó nhiều người đã đặt vấn đề làm gọn bộ máy phải đi cùng với tăng lương, tăng thu nhập khi một cán bộ phải gánh công việc của vài ba người. Cống hiến đã đành, nhưng cũng không thể đủ sức cống hiến mãi mà họ cần phải được bù đắp để có thể tái tạo sức lao động, có thể giúp đỡ gia đình, chăm sóc cha mẹ già, con thơ.

Mới thấy, đây là câu chuyện phức tạp, duy ý chí thì khó thành công.

Cũng chính vì thế mà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng làm sao có những cơ chế đột phá, đặc thù để phát triển.

Trong những gì gọi là cơ chế đặc thù, thì cơ chế về cán bộ có lẽ phải được ưu tiên hàng đầu. Nhiều để chia sẻ công việc hay là ít nhưng mà chất lượng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì ai cũng biết, yếu tố con người là quyết định. Như vậy, cần phải trả lời được câu hỏi: Thế nào là cơ chế khác biệt? thì những nút thắt mới được tháo gỡ. Cải cách bộ máy, tinh giản biên chế phải đi cùng với cải cách tiền lương, đó chính là việc phải làm mới có thể đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng lương và bộ máy