Sáng 29/10, nhiều người dân bày tỏ bức xúc trước tình trạng các cây xăng treo biển ngưng bán, còn xăng lẻ thì bán đầy đường ở một số địa phương của tỉnh Đồng Nai.
Điệp khúc “hết xăng còn dầu”
Sau khoảng hơn 10 ngày ổn định kinh doanh, trong hai ngày 28-29/10, nhiều cây xăng ở một số địa phương của tỉnh Đồng Nai tiếp tục điệp khúc treo biển “hết xăng còn dầu” hoặc “cửa hàng tạm ngừng kinh doanh”.
Chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, sáng nay chạy hơn 20 km mới đổ được xăng. “Nguyên cả tuyến đường từ nhà ra ngã ba Trị An dài hơn 20 km mà không có cây xăng nào còn xăng để bán. Ghé 4-5 cây xăng dọc tuyến đường ĐT767 mà chỗ nào cũng treo biển “hết xăng còn dầu”. Chạy dọc quốc lộ 1A gần vào TP Biên Hòa có chỗ bán xăng lẻ nên đổ luôn”, chị Ngọc cho biết.
Ở nơi khác, ông Trần Bình, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng rất bức xúc vì tình trạng “hết xăng còn dầu”. Tối hôm qua đi làm về muộn, nhiều cây xăng đóng cửa nên không đổ được. Sáng nay dắt xe đi làm chạy được một đoạn thì hết xăng. Dắt bộ cả 4-5 cây số mà không có cây xăng nào bán. May mắn gặp được một người quen, chấp nhận vi phạm luật giao thông để người ta đẩy giúp xe chạy được một đoạn. Cũng hên là gặp xăng lẻ dọc đường đổ liền 3 lít. Dù giá lên đến 30 ngàn 1 lít nhưng cũng phải đổ”, ông Bình nói.
Thực tế ghi nhận dọc hai bên Quốc lộ 1A đoạn từ Công viên 30/4 (TP Biên Hòa) đến cầu vượt Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và đường ĐT767 (từ ngã ba Trị An đến trung tâm thị trấn Vĩnh An) có rất nhiều cây xăng treo biển “hết xăng còn dầu”.
Một số người dân cho hay, tình trạng này đã có từ chiều hôm qua đến sáng nay. Nhiều người dân bức xúc vì các cây xăng thì treo biển không còn hàng nhưng phía trước thì xăng lẻ bán rất nhiều. “Người dân buộc rơi vào thế phải đổ xăng lẻ để đi chứ giữa đường hết xăng thì còn khổ nữa”, ông Q., một người bán xăng lẻ trước trạm xăng dầu Nai Vàng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho hay.
Theo khảo sát một số điểm, giá xăng lẻ giao động từ 30-35 ngàn đồng/lít. Với giá bán này, người bán xăng lẻ có thể kiếm lời từ 7-12 ngàn đồng/lít. Đem thắc mắc vì sao cây xăng thì hết hàng mà xăng lẻ thì có hàng, bà M., chủ cửa hàng tạp hóa trên đường ĐT767 (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho biết, mỗi ngày gia đình chạy khắp nơi ở các cây xăng trong TP Biên Hòa để gom xăng, mỗi nơi 20 lít, chỗ nào nhiều thì mua được 50 lít. Nói chung mỗi ngày gom được khoảng 200 lít về bán dần. “Giờ người dân không muốn cũng phải đổ, chớ có cây xăng nào bán đâu”, bà M., quả quyết.
Vẫn còn chỗ bán chỗ không
Cũng trong sáng ngày 29/10, nhiều cây xăng trên địa bàn TP Biên Hòa đều trong tình trạng “hết xăng còn dầu” rải rác ở một số cây xăng tư nhân. Còn lại các đầu mối xăng dầu lớn khác như: Petrolimex (Riêng cây xăng 01 – Petrolimex (phường Quyết Thắng) treo biển “ngưng bán hàng”), Tín Nghĩa, Mipec hay Petimex vẫn hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, do một số cửa hàng ở các huyện lân cận hết xăng nên người dân đổ dồn về các cửa hàng còn bán ở trên địa bàn TP Biên Hòa rất đông khiến nhiều cây xăng rơi vào tình trạng quá tải.
Ghi nhận tại trạm xăng dầu Tân Phong (công ty CP xăng dầu Tín Nghĩa) phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, từ sáng sớm, người dân đã xếp hàng đổ xăng. Đây là số ít cây xăng bán không giới hạn số lượng. “Tranh thủ đổ đầy chứ chạy từ Vĩnh Cửu về đây đó anh”, một người dân cho biết.
Cũng trong sáng 29/10, cây xăng 01 – Petrolimex (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) treo biển “ngưng bán hàng” khiến nhiều người dân hoang mang. Bà Thảo Trang, ngụ phường Hiệp Hòa cho hay, “tôi hay đổ xăng ở cửa hàng này. Đây là cửa hàng lớn bán liên tục từ đợt khan hiếm xăng đến giờ. Sáng nay đi đổ thấy treo biển ngưng bán hàng nên cũng hơi hoang mang”.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 1 thương nhân đầu mối, 7 thương nhân phân phối và 415 cửa hàng xăng dầu hoạt động. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng hàng. Do đó, các thương nhân phân phối xăng dầu không đủ nguồn hàng cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Trước đó, ngày 10/10, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm có giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng xăng dầu, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên đến nay, điệp khúc “hết xăng còn dầu” hay câu chuyện “chen chúc đổ xăng” vẫn đang rất “nóng” ở Đồng Nai.
"Xe điện lên ngôi?"
Trước tình trạng xăng dầu có nhiều biến động, người dân cũng bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng xe điện. Chị N., ngụ huyện Trảng Bom cho biết, hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. "Nhà thì toàn xe máy, đợt này thấy tình trạng xăng dầu gặp nhiều khó khăn nên đã đi mua một chiếc xe máy điện để “phòng” khi xe máy không còn công năng sử dụng thì còn có xe mà đi làm", chị N, nói.
Một số cửa hàng ở Đồng Nai cho biết, doanh số bán hàng xe máy điện cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ. “Xe điện bán khá chạy, nếu so với thời gian này của những năm trước thì năm nay bán được hơn nhiều. Chắc do xăng dầu khan hiếm nên người dân chuyển sang đi xe điện”, anh H., chủ một cửa hàng xe máy điện ở TP Biên Hòa cho hay.