Do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hàng chục doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã xin tạm dừng hoạt động.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cho biết, tính đến ngày 13/8, có trên 60 doanh nghiệp tại Đồng Nai đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã xin tạm dừng hoạt động.
Theo thống kế, trong số các công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ” dừng hoạt động có 49 doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp và trên 10 doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành.
Lý do mà các đơn vị này xin tạm dừng hoạt động là do thời gian thực hiện giãn cách kéo dài, khiến khâu sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thiếu nguyên liệu đầu vào, đầu ra, nguồn nhân lực không đủ để duy trì sản xuất. Đặc biệt, các chi phí để thực hiện lưu trú lao động tại nhà máy quá nhiều, rồi các chi phí về xét nghiệm cho công nhân, khiến doanh nghiệp không thể đủ nguồn lực để kéo dài sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” được thêm.
“Doanh nghiệp phải bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân theo định kỳ 7 ngày/lần, mỗi lần xét nghiệm giao động khoảng 300.000 đồng/người; lo chỗ ở và chi phí ăn uống 3 bữa/ngày cho công nhân. Chưa biết khi nào dịch mới được khống chế, cứ đà này thì làm sao trụ nổi. Nhiều doanh nghiệp sẽ còn tháo chạy vì không thể đủ nguồn lực thực hiện “3 tại chỗ” nữa”, Giám đốc một doanh nghiệp trong KCN Amata TP Biên Hòa nói.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận nhiều ca dương tính với Covid-19. Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh cực lớn. Việc tạm ngưng sản xuất kinh doanh là để xử lý các ổ dịch phát sinh, tăng cương công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất trông đợi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. “Chỉ có tiêm vaccine thì miễn dịch cộng đồng mới tăng lên, người lao động an tâm, doanh nghiệp cũng an tâm, có như vậy doanh nghiệp mới có thể sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh”, ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty TNHH TMSX Thiên Triều An, (Biên Hòa) khẳng định.
Tuy nhiên, tiến độ tiêm vaccine chậm chạp, nguồn cung hạn chế cũng khiến cho các doanh nghiệp lo lắng vì không biết khi nào người lao động mới được tiêm phòng.