Sáng 8/6, UBND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp khẩn về một trường hợp F1 tại Công ty Tombow, Khu công nghiệp AMATA tiếp xúc với nhiều người trong công ty.
Theo Trung tâm Y tế TP Biên Hòa, trường hợp F1 tên N.T.T.D (32 tuổi, ngụ phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Bà D. là trưởng bộ phận kiểm kê tại Công ty Tombow, Lô 514 đường 13, KCN AMATA mở rộng. Bà D. có chồng là H.Đ.T.V ngụ chung nhà và được thông báo dương tính vào ngày 07/6.
Trước đó, ngày 30/5, người chồng được công ty ở TP Hồ Chí Minh khuyến cáo ở nhà đề cách ly phòng chống dịch Covid-19. Đến chiều ngày 3/6, người chồng được thông báo là F2 thuộc diện cách ly y tế tại nhà. Ngày 4/6, Cơ quan Y tế thông báo là F1 nên được chở đi cách ly tập trung và sau đó được thông báo dương tính với SARs-Covi-2.
Theo điều tra dịch tễ, bà D. đi làm tại công ty sáng đi chiều về Thủ Đức. Ngày 03/6 có đến địa chỉ 305/1/52 tổ 12, ấp Tân Cang, phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Từ ngày 4/6 làm việc tại công ty đến tối về Thủ Đức và làm việc tại nhà đến nay. Bước đầu, xác định bà D. trong quá trình làm việc tại công ty tiếp xúc với tất cả các dây chuyền làm việc ở đây. Hiện tại đã xác định được 27 F2, trên 850 công nhân tiếp xúc và tiếp tục truy vết những người tiếp xúc khác. Hiện 27 công nhân làm văn phòng, quản lý đang ở lại công ty, còn lại công nhân đã về nhà.
Ngay khi có thông tin về trường hợp F1 nêu trên, Trung tâm Y tế Biên Hòa đã thực hiện phun hóa chất khử trùng toàn bộ Công ty Tombow với tổng diện tích khoảng 11.000m2. Toàn bộ công nhân ở lại đã được lấy mẫu trong đêm. Sáng này đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Đại diện UBND TP Biên Hòa kiến nghị Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC) hướng dẫn kịp thời, quyết liệt việc phòng chống dịch tại công ty trên. CDC Đồng Nai đề nghị công ty thông báo rộng rãi để tầm soát hết tất cả các trường hợp tiếp xúc với bà D. Tích cực truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bà D.
Tại cuộc họp, ông Bạch Thái Bình, Giám đốc CDC tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Biên Hòa cần chủ động phương án phòng chống dịch đối với trường hợp F1 nêu trên vì nguy cơ bà D. sẽ trở thành F0 là rất cao. Bà D mặc dù biết chồng thuộc diện cách ly y tế tại nhà nhưng không chủ động thực hiện các phương án phòng dịch mà còn đi làm.
Ông Bình cho rằng, trước đó UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản 6180/UBND-KGVX về việc cách ly người về, đến từ TP Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe, tính mạng trên 3,2 triệu người dân tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, để đảm bảo an toàn tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh - một trong những tỉnh thành đứng đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp. Văn bản này đã nhận phải nhiều luồng ý kiến từ dư luận. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ra các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp người lao động tại TP Hồ Chí Minh khi về làm việc tại Đồng Nai và ngược lại trong thời gian này nhằm điều chỉnh một số nội dung phù hợp hơn đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.