Đồng Nai: Phố trong làng ở Xuân Hiệp

Mạnh Thìn 25/11/2022 15:02

Với tỉ lệ cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất, thương mại - dịch vụ; cơ sở hạ tầng phát triển; đời sống nhân dân có nhiều bước chuyển, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là nơi “phố ở trong làng”.

Xuân Hiệp là địa phương có tỉ lệ người dân sở hữu, xây dựng nhà kiên cố, khang trang vào dạng “Top” của huyện Xuân Lộc, đạt 100% theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Năm 2013, Xuân Hiệp được công nhận là xã nông thôn mới (NTM). Đến năm 2017, xã tiếp tục được công nhận là xã NTM nâng cao. Khoảng 5 năm trở lại đây, Xuân Hiệp là một trong những địa phương có nhiều đột phá về kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của huyện Xuân Lộc. Nhờ vậy, Xuân Hiệp không những giữ vững và nâng chất NTM nâng cao, mà còn tiến đến hoàn thiện việc xây dựng NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của tỉnh Đồng Nai.

Xuân Hiệp có vị trí thuận lợi nằm trên trục Quốc lộ 1A đi qua nên có nhiều lợi thế để phát triển thương mại-dịch vụ, du lịch. Ảnh Mạnh Thìn.

Bà Huỳnh Thị Diệu, Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp cho biết, trong 5 năm qua, địa phương đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Đảng ủy, UBND xã luôn chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên mọi mặt.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp, so với 5 năm trước, địa phương này có nhiều chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng phát triển thương mại – dịch vụ giúp Xuân Hiệp đổi thay toàn diện trên nhiều mặt. Ảnh Mạnh Thìn.

Khác với các địa phương khác ở trong huyện, Xuân Hiệp có tỉ lệ người dân làm nông nghiệp tương đối ít. Trong khi đó, sản xuất, thương mại – dịch vụ chiếm tỉ lệ cơ cấu cao trong kinh tế của địa phương.

Ngày càng nhiều nhà cao tầng, kiên cố được mọc lên ở xã NTM kiểu mẫu Xuân Hiệp. Ảnh Mạnh Thìn.

Xuân Hiệp cũng là một trong những địa phương có nhiều tiêu chí thuộc dạng “Top” của huyện Xuân Lộc. Hiện nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn xã đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Tỉ lệ người dân sở hữu, xây dựng nhà kiên cố, khang trang cũng vào dạng cao nhất của huyện Xuân Lộc, đạt 100% theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 80 triệu đồng/người/năm. Không có gì lạ khi Xuân Hiệp được mệnh danh là nơi mà “phố ở trong làng”.

Khu công nghiệp miền núi Xuân Lộc nằm trên địa bàn xã Xuân Hiệp nhìn từ trên cao. Ảnh Mạnh Thìn.

“Vai trò của người dân là rất lớn. Sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân trong việc đồng hành với chính quyền địa phương, đoàn thể để xây dựng NTM kiểu mẫu đã góp phần làm đổi thay bộ mặt của Xuân Hiệp một cách toàn diện. Điều vui mừng nhất đó là việc thu nhập của người dân ngày càng tăng cao. Đời sống nhân dân đã đổi thay rất nhiều”, bà Diệu nói.

100% đường giao thông trên địa bàn xã đều đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Ảnh Mạnh Thìn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong Quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã Xuân Hiệp đến năm 2030 và định hướng phát triển đến năm 2040, địa phương này được xác định là vùng đô thị trung tâm gắn kết công nghiệp, dịch vụ du lịch, nằm trong không gian phát triển mở rộng thị trấn Gia Ray; song song với phát triển công nghiệp sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa, phát triển du lịch.

Ấp Văn hóa Việt kiều, nơi có nhiều Việt kiều Campuchia sinh sống. Đây là cộng đồng dân cư có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã Xuân Hiệp. Ảnh Mạnh Thìn.

Xuân Hiệp là nơi được quy hoạch xây dựng khu tái định cư của huyện Xuân Lộc. Vị trí thuộc ấp Tân Tiến và ấp Tam Hiệp, nằm hai bên đường quanh núi Chứa Chan, quy mô diện tích khoảng 33ha. Xã còn định hướng các khu đất phát triển dân cư kết hợp thương mại dịch vụ ở hai bên đường Suối Cát-Xuân Hiệp với quy mô khoảng trên 123ha. Phát triển du lịch gắn với các dự án khu phức hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan, hồ núi Le và đặc biệt là ở khu vực hồ Gia Măng – nơi có tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết đi qua.

Nhà thờ Giáo xứ Suối Cát nhìn từ trên cao. Đây là một trong ba điểm sinh hoạt tôn giáo của đồng bào công giáo trên địa bàn xã Xuân Hiệp. Ảnh Mạnh Thìn.
Tuy có tỷ lệ người dân làm nông nghiệp thấp nhưng chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của xã Xuân Hiệp khi ra thị trường đều đạt tiểu chuẩn cao. Ảnh Mạnh Thìn.
Mô hình HTX rau an toàn Lộc Tiến có tổng diện tích 20ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và là sản phẩm theo chương trình OCOP cấp tỉnh. Ảnh Mạnh Thìn.
Bà Trần Thị Minh Châu ở ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp có 27 năm trồng rau. Bà là thành viên tích cực của HTX rau an toàn Lộc Tiến có nhiều đóng góp trong phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn sạch của địa phương. Sản phẩm rau sạch của gia đình bà ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh thì còn có mặt ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh Mạnh Thìn.
Khu đất thuộc ấp Tân Tiến và ấp Tam Hiệp, nằm hai bên đường quanh núi Chứa Chan, quy mô diện tích khoảng 33ha được quy hoạch xây dựng khu tái định cư của huyện Xuân Lộc. Ảnh Mạnh Thìn.
Hồ Gia Măng là một trong những khu vực mà xã Xuân Hiệp đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Nằm cạnh đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Hồ Gia Măng hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch trải nghiệm đầy tiềm năng trong tương lai. Ảnh Mạnh Thìn.
Không chỉ cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, Hồ Gia Măng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Ảnh Mạnh Thìn.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi qua xã Xuân Hiệp có chiều dài 4,4km. Đây là công trình mà theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp thì đã làm thay đổi nhiều đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Ảnh Mạnh Thìn.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng Nai: Phố trong làng ở Xuân Hiệp