Sáng ngày 25/10, tại Hội trường Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai đã diễn ra Hội thảo “Công tác quản lý, sắp xếp, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do Sở này chủ trì, đã đánh giá lại tình hình giết mổ có phép và không phép ở đây. Tại Hội thảo này, đại diện của Dự án LIFSAP đã báo cáo những tác động của Dự án LIFSAP tới hoạt động giết mổ trên địa bàn.
Ông Huỳnh Thành Vinh- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại Hội thảo.
Đẩy mạnh kiểm soát giết mổ heo lậu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Thành Vinh- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, cho rằng, cần sắp xếp cho được hoạt động giết mổ heo ở địa bàn. “Sắp xếp lại việc giết mổ heo là rất quan trọng, để tránh dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi. Hiện nay, dịch bệnh heo châu Phi đang phát ở tỉnh Vân Nam- Trung Quốc, sẽ có nguy cơ lây nhiễm sang nước ta, vì thế cần phải chủ động phòng tránh, để tránh gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi”- ông Vinh nói.
Ông Vinh cho hay, đã có sự chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Viet GAHP của Dự án LIFSAP, mang lại nhiều hiệu quả.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng giết mổ heo lậu vẫn còn. Nguyên nhân là do ý thức người dân và người tiêu dùng còn chưa cao, do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, do tập quán người dân, do lợi nhuận của cơ sở giết mổ lậu, do mức phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, ông Tài – Phó Phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất phát biểu cho rằng, quy định của pháp luật trong vấn đề quản lý giết mổ này còn lỏng lẻo, chưa sát thực tế nên hiệu quả kém.
Theo các ý kiến, cần quản lý chặt đầu ra là thị trường tiêu thụ của các cơ sở giết mổ lậu như các sạp thịt, nhà hàng, Các điểm kinh doanh buộc phải có giấy phép kinh doanh thực phẩm, để hạn chế tình trạng giết mổ lậu. Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lậu còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao. Cần quy trách nhiệm của việc này cho các lãnh đạo xã. Họ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xử lý kịp thời, xử lý mạnh và kiên quyết vấn nạn giết mổ gia súc gia cầm lậu ở địa bàn. Ngoài ra, theo họ, chỉ một mình ngành thú y thì không làm nổi, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành với nhau, để việc xử lý tốt hơn. Các địa phương phải chủ động xử lý việc giết mổ lậu này, phải làm quyết liệt.
Ông Vinh cho rằng, qua Hội thảo này, các cán bộ của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cần tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo để kiến nghị, đề xuất lên trên. Theo ông Vinh, việc quản lý, kiểm soát giết mổ lậu là hoạt động quan trọng trong thời gian sắp tới, phải thông báo cho các hộ chăn nuôi đăng ký để khi phát sinh dịch bệnh có thể kiểm soát được. “Cần tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm giết mổ gia súc gia cầm lậu. Các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để nâng cao năng suất hoạt động, ngành thú y cần chú ý về dịch bệnh trên địa bàn”- ông Vinh nói.
LIFSAP tác động tốt đến hoạt động giết mổ
Tại Hội thảo này, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - đại diện của Dự án LIFSAP tại Đồng Nai, đã có bài báo cáo những tác động của Dự án này đối với việc thực hiện quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm của tỉnh Đồng Nai. Theo đó, mục tiêu của Dự án là triển khai công nghệ chăn nuôi, giết mô theo quy trình và tiêu chuẩn Viet GAHP đến mô hình chăn nuôi heo, gà… của tỉnh Đồng Nai, đảm bảo sự cạnh tranh, an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực cho các cán bộ từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Dự án này còn đặt ra mục tiêu nâng cấp cơ sở giết mổ, gồm: Thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn; quản lý, sắp xếp hoạt động giết mổ động vật; quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường. Ngoài ra, Dự án giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở các mặt: Công suất giết mổ, kết nối chuỗi sản phẩm…
Dự án đã có nhiều tác động tốt đến tình hình giết mổ trên địa bàn, đảm bảo theo các tiêu chí: Chăn nuôi tốt, giết mổ tốt, vận chuyển tốt, kinh doanh tốt nhằm hỗ trợ cung cấp sản phẩm thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, đến nay, Dự án LIFSAP đã hỗ trợ xây dựng 33/49 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch. Từ sự hỗ trợ này đã có tác động đến việc quản lý, sắp xếp hoạt động giết mổ. Đó là: Thúc đẩy nhanh quá trình sắp xếp và quản lý hoạt động giết mổ tại tỉnh Đồng Nai thông qua việc hỗ trợ về kinh phí để nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung. Xóa bỏ các cơ sở giết mổ không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ những hoạt động này của Dự án đã giúp thay đổi hình thức, tập quán giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, không đảm bảo vệ sinh thú y… Giúp đầu tư xây dựng các hạng mục theo đúng quy định, đặc biệt là việc tuân thủ công nghệ giết mổ treo. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý môi trường… để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Để tăng cường hiệu quả của Dự án này, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cần thực hiện, như: Rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giết mổ trên địa bàn Thị xã Long Khánh; thực hiện các chuỗi sản phẩm an toàn để cung ứng vào các chợ truyền thống trên đại bàn tỉnh…