Dự kiến trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha.
Đó là một trong những thông tin được công bố tại buổi lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong sáng ngày 16/6.
Tại buổi lễ công bố xuất khẩu có 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng với số lượng 20 container với 360 tấn sầu riêng gồm giống Dona, Ri6 được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói (Công ty TNHH XNK Trái cây Hòa Hạnh, Công ty TNHH XNK Thanh Trung, Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy, Công ty Cổ phần tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH XNK Tân Hoàng Linh, Công ty TNHH TMSX Thuận Hương) đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (vận chuyển bằng đường bộ; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại trái cây Chiết Giang, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Tây, Công ty TNHH Mậu Dịch Quốc tế Vạn Thành Hỷ).
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của địa phương, với diện tích trên 11.345 ha đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích sau Đắk Lắk (22.458 ha), Lâm Đồng (17.719 ha), Tiền Giang (17.656 ha). Hiện nay, vùng trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích). Diện tích thu hoạch 6.574 và sản lượng năm 2023 khoảng 69 ngàn tấn.
Sầu riêng Đồng Nai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng kiểm dịch thực vật, nhất là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng, gồm: 11 vùng trồng sầu riêng, diện tích 820 ha, 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9 ngàn ha; có 22 vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 6,9 ngàn ha; 30 vùng trồng chuối, diện tích 5,6 ngàn ha; 13 vùng trồng mít với diện tích 2,2 ngàn ha và 9 vùng trồng thanh long diện tích 728 ha.
“Để đảm báo tiêu chuẩn xuất khẩu các vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên môn. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về việc ghi nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu. Đồng thời, phải kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm trái cây địa phương nói chung và trái sầu riêng nói riêng trên thị trường thế giới, thông qua buổi lễ này tỉnh Đồng Nai mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các Bộ ngành trung ương, các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước để đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới ”, ông Thắng nói.
Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng là một trong những hoạt động của chương trình lễ hội trái cây Long Khánh năm 2023.
Trước đó, tối 15/6, tỉnh Đồng Nai cũng đã khai mạc chương trình lễ hội trái cây Long Khánh năm 2023. Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra trong 9 ngày, từ 15-23/6/2023, tại Công viên Bia Chiến thắng Long Khánh, phường Xuân An, TP Long Khánh.
Lễ hội có nhiều hoạt động nổi bật như: Tuần lễ tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023 với khoảng 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trái cây, nông sản tiêu biểu của địa phương; Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc; Liên hoan ẩm thực “Hương sắc Long Khánh”; Chương trình Half Marathon “Long Khánh - Thành phố xanh”; Tọa đàm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng sản phẩm OCOP thành phố Long Khánh”; Triển lãm ảnh “Long Khánh - Mùa trái chín” và Marathon ảnh Lễ hội Trái cây Long Khánh 2023.
Song song với các hoạt động, lễ hội còn có một số hội thi như: Thiết kế tour du lịch Long Khánh; Thi giới thiệu các điểm tham quan du lịch ở Long Khánh; Gian hàng trái cây, nông sản tiêu biểu; Vẽ tranh thiếu nhi “Long Khánh - Thành phố của chúng em”.
Theo Ban tổ chức, chương trình năm nay có quy mô lớn và nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay hứa hẹn mang đến nhiều hấp dẫn cho nhân dân, khách tham quan trong suốt quá trình 9 ngày diễn ra lễ hội.
Lễ hội trái cây Long Khánh là hoạt động thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm trái cây Long Khánh đến du khách trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện kết nối điểm đến du lịch sinh thái vườn đến với du khách và các đơn vị lữ hành, để tạo điều kiện kết nối tour, tuyến du lịch trong thời gian tới.