Khi khắp thế giới đang chuyển mạnh sang nền kinh tế số thì nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực Đông Nam Á đang dần vượt lên trước các cường quốc kinh tế.
Một nhận định mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng, vài năm qua, kinh tế số Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Năm 2023, tổng giá trị giao dịch của kinh tế số khu vực này đạt 218 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2022, bất chấp hoàn cảnh xấu của tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu. Dự báo năm 2024, tổng giá trị doanh thu kinh tế số của khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ đạt 300 tỷ USD.
Dù lịch sử và văn hóa và quy mô nền kinh tế khác nhau, 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều tích cực đón nhận làn sóng khoa học công nghệ mới. Thanh toán số hiện chiếm hơn 50% tổng giá trị giao dịch tại Đông Nam Á, ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. Dịch vụ mua trước trả sau cũng ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á với dự kiến sẽ lên tới 12,6 tỷ USD vào năm 2026 so vơi con số 2,8 tỷ USD ở năm 2021.
Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Co đánh giá Đông Nam Á đã và đang vượt qua mọi rào cản, cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong tương lai và sẽ nhanh chóng gặt hái lợi ích từ các giao dịch thanh toán tức thời, giao dịch xuyên biên giới. Các cuộc đàm phán Hiệp định khung Kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) khởi động tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 23, tổ chức ngày 3/9/2023 tại Indonesia được coi là công cụ ràng buộc pháp lý cấp khu vực đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực kinh tế số.
Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế, ông Satvinder Singh, cho biết, DEFA có thể thúc đẩy sự năng động và khả năng cạnh tranh của khu vực. Hiệp định này dự kiến đóng góp 1.000 tỷ USD cho tổng nền kinh tế số ASEAN vào năm 2030.
Bình luận về nền kinh tế số của khu vực ASEAN, ông Will Nankervis - nhà ngoại giao cao cấp Australia tại ASEAN cho hay, các nước Đông Nam Á có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách thức phát triển, sử dụng và quản lý công nghệ kỹ thuật số.
Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2024 được công bố tại Singapore mới đây cũng cho thấy kinh tế số khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, riêng lợi nhuận mang lại tăng gấp 2,5 lần chỉ trong vòng 2 năm qua. Báo cáo được 3 tập đoàn là Bain, Google và Temasek đồng công bố. Nền kinh tế số Đông Nam Á được đánh giá trên các khía cạnh bao gồm các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, thương mại điện tử, du lịch, phương tiện truyền thông trực tuyến, dịch vụ giao đồ ăn và vận tải. Báo cáo cũng cho thấy lợi nhuận trong nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á đến chủ yếu từ mảng phương tiện truyền thông trực tuyến và du lịch, trong khi đó thương mại điện tử đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hình thức bán hàng sử dụng video như live streaming.
Ông Fock Wai Hoong - phụ trách khu vực Đông Nam Á, tập đoàn Temasek (Singapore) cho biết, Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2024 cũng cho thấy ASEAN đang nổi lên như một trung tâm toàn cầu cho đổi mới sáng tạo và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đang ở vị thế tốt để cạnh tranh và đã thu hút hơn 30 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI chỉ trong nửa đầu năm 2024.
Ông Fock Wai Hoong cũng nhận định làn sóng kỹ thuật số đang làm thay đổi đáng kể bộ mặt của khu vực Đông Nam Á, khi người dùng trong khu vực tiếp tục dẫn đầu về mức độ tương tác kỹ thuật số ở nhiều hạng mục khác nhau trên các bảng xếp hạng toàn cầu, chẳng hạn như thời gian trực tuyến, mức sử dụng Internet di động, mức sử dụng ứng dụng di động...
Một trong những yếu tố tạo nên thế mạnh của Đông Nam Á là nhân khẩu học thuận lợi với gần 500 triệu người trong độ tuổi lao động. Nghiên cứu của Google ước tính khoảng 3,8 triệu người dùng mới trên khắp Đông Nam Á truy cập trực tuyến mỗi ngày. Hiện đã có hơn 7.000 công ty khởi nghiệp kỹ thuật số ở Đông Nam Á, 80% trong số đó có trụ sở tại Indonesia, Singapore hoặc Việt Nam.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để giúp nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đạt tổng giá trị hàng hóa lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. “Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã có quỹ đạo tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây khi người dùng trong khu vực tiếp tục dẫn đầu về mức độ tương tác kỹ thuật số ở nhiều hạng mục khác nhau trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên, một số thành phố lớn đang tiến gần đến điểm bão hòa thâm nhập kỹ thuật số, vì thế cần mở rộng ra địa bàn nông thôn” - Penny Burtt, CEO của Asialink khuyến cáo.
Báo cáo kinh tế số của Bain & Company dự báo quy mô nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2030 so với con số tham vọng 1.000 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 16%/năm. Tuy nhiên, theo ông Shaun Sakhrani - Giám đốc bộ phận thu xếp nguồn vốn khu vực Đông Nam Á (Ngân hàng HSBC), cho dù đang phát triển cực nhanh nhưng để tăng cường thu hút nguồn vốn nhằm phát trển kinh tế số, các quốc gia Đông Nam Á vẫn cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ và mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ tại khu vực nông thôn.