Anthony Tan có thời điểm sở hữu hơn 1 tỷ USD, nhưng chốt phiên chỉ còn 725 triệu USD vì cổ phiếu Grab biến động.
"Cổ phiếu sẽ luôn đi lên và đi xuống", Anthony Tan - đồng sáng lập Grab Holdings cho biết sau lễ rung chuông tại Singapore hôm 2/12. Cổ phiếu Grab hôm qua có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq (Mỹ) sau khi sáp nhập với một SPAC (công ty thành lập với mục đích đặc biệt) do Altimeter Capital hậu thuẫn hồi tháng 8.
Mã này tăng vọt trước phiên giao dịch, nhưng khi thị trường mở cửa lại giảm và chốt phiên mất tới hơn 21%. Việc này khiến vốn hóa của công ty mất 17 tỷ USD. Còn Tan có thời điểm sở hữu hơn 1 tỷ USD, nhưng chốt phiên chỉ còn 725 triệu USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Với cấu trúc chia hạng cổ phiếu của Grab, Anthony Tan nắm giữ chỉ 2,2% cổ phần, nhưng có quyền bỏ phiếu tương đương 60,4%.
Dù giá cổ phiếu giảm, các lãnh đạo chủ chốt khác của Grab vẫn sở hữu khối tài sản đáng kể. Đồng sáng lập Hooi Ling Tan và Giám đốc Ming Maa hiện có lần lượt 224 triệu USD và 126 triệu USD. SoftBank (Nhật Bản) đã rót 3 tỷ USD vào Grab năm 2014. Số cổ phần này hiện có giá 6,1 tỷ USD.
Grab chưa có lợi nhuận. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn chào đón thương vụ sáp nhập của hãng. Theo thỏa thuận, Grab nhận 4,5 tỷ USD từ thương vụ này.
Thời điểm niêm yết cũng không thực sự thuận lợi với Grab. Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho dịch vụ đi chung xe. Biến chủng Omicron cũng khiến nhiều nước áp đặt thêm hạn chế mới.
Năm nay cũng là một năm nhiều biến động với Grab. Việc sáp nhập với Altimeter bị trì hoãn vì kiểm toán. Hoạt động của các SPAC vài năm qua cũng bị giới chức tăng cường giám sát.
Tan thành lập Grab khi đang học MBA tại Trường Kinh doanh Harvard hơn một thập kỷ trước. Ông đã từ bỏ việc kinh doanh của gia đình - một trong những nhà phân phối ô tô lớn nhất Malaysia để mở dịch vụ đi chung xe MyTeksi cùng bạn học Hooi Ling Tan. Dự án này sau đó được chuyển trụ sở sang Singapore và đổi tên thành Grab. Công ty này hiện hoạt động trong cả lĩnh vực giao đồ ăn, thanh toán online và dịch vụ tài chính.
Trong quý III, Grab ghi nhận khoản lỗ 988 triệu USD, tăng so với 621 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm 9% về 157 triệu USD. Khoản lỗ chủ yếu do các chi phí "phi tiền mặt" và "phần lớn" số chi phí này sẽ giảm sau sáp nhập.
Dù đại dịch đang gây khó khăn cho hoạt động đi chung xe, Anthony Tan vẫn tự tin rằng tình hình sẽ tốt hơn khi khu vực Đông Nam Á đẩy nhanh tiêm chủng và nhiều nước chọn sống chung với Covid-19.
"Chúng tôi tự tin vào việc kinh doanh của mình", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm qua, "Công ty vẫn đang đi đúng hướng" trong việc đạt mục tiêu tổng giá trị giao dịch của các dịch vụ năm nay là 15 - 15,5 tỷ USD.