Tinh hoa Việt

Đông Sơn, những vọng âm từ đất

NGUYỄN XUÂN THỦY 22/03/2024 07:58

Đông Sơn, ngôi làng nhỏ bé nằm bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử với những trận chiến đấu oanh liệt một thời. Dưới đạn bom và đổ nát, đất Đông Sơn vẫn ôm chứa những bí ẩn của lịch sử mấy ngàn năm.

mot-ngoi-nha-co-hon-200-nam-son-tai-dong.jpg
Một ngôi nhà cổ hơn 200 năm tại Đông Sơn. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Chính ngôi làng nhỏ bé ấy là nơi khởi nguồn để khai sinh ra nền văn hóa Đông Sơn. Kể từ khi chiếc trống đồng đầu tiên được tìm thấy tại đây năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm.

Vùng đất lịch sử

Chỉ cách trung tâm TP Thanh Hóa 4,6 km nhưng Đông Sơn mang đầy đủ dáng vẻ của một làng quê yên bình. Địa thế làng mấy trăm năm nay vẫn vậy, khép kín và biệt lập. Những mái ngói rêu phong ẩn mình bên sườn núi Rồng, xa xa là dòng sông Mã ẩn hiện, và cây cầu Hàm Rồng vắt ngang như một huyền thoại sống.

Ông Nguyễn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) cho biết, hiện Đông Sơn có 322 nóc nhà. Trước làng sở hữu diện tích đất đai rộng lớn, quá trình khai khẩn từ đời này qua đời khác, đất bãi, đất đồng, đất xen kẽ giữa những ngọn núi to núi nhỏ đã tạo thành một quỹ đất lớn cho làng. Đất đai cả Tiểu khu Hàm Rồng trước đây đều của Đông Sơn, sau này mới cắt chia bớt cho các phường khác, một số thì nhà nước lấy xây dựng các công trình công, các nhà máy, xí nghiệp quanh khu Hàm Rồng. Đất Đông Sơn nhìn có vẻ sỏi đá như vậy nhưng sắn khoai, củ từ Đông Sơn nức tiếng, cung cấp cho cả khu vực, cái ngon cái ngọt của làng đã đằm sâu trong kí ức của nhiều người Thanh Hóa.

Đông Sơn - Hàm Rồng những năm chống Mỹ đã trở thành những từ khóa quen thuộc. Suốt bảy, tám năm ròng rã Mỹ đã trút không biết bao nhiêu bom đạn xuống mảnh đất này. Có một Đông Sơn gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng, cụ thể là gắn với cuộc chiến bảo vệ huyết mạch giao thông cầu Hàm Rồng trên tuyến quốc lộ 1A nối miền Bắc với miền Nam. Tử huyệt giao thông này đã là nơi so trí, đọ tài, thi gan, đọ danh dự giữa siêu cường ngạo mạn và một dân tộc nhỏ bé mà gan góc, không chịu khuất phục. Chỉ một cây cầu nhỏ bé nối đôi bờ sông Mã mà trong gần chục năm giao tranh hút đến hàng chục nghìn tấn bom. 117 máy bay Mỹ vì cây cầu này mà đã bị loại khỏi đội hình chiến đấu.

Địa thế Đông Sơn đã khiến làng trở thành làng kháng chiến. Kháng chiến tại chỗ, mặt đối mặt với kẻ thù từ trên trời, từ ngoài biển. Đông Sơn không phải đi sơ tán như các làng khác quanh khu vực cầu Hàm Rồng vì có nhiều hang đá trú ẩn. Làng có nhiều núi thì cũng có nhiều hang. Hang đá lớn có thể chứa mấy trăm người. Hang đá nhỏ cũng chứa được vài chục người. Vì thế, cứ máy bay vào oanh kích, có báo động thì dân vào hang trú ẩn, hết báo động lại ra tu sửa hầm hào cộng sự, tải đạn, tải thương…

Có thể nói đó là những trận đánh giáp lá cà thời hiện đại, giữa không quân hiện đại và pháo phòng không mặt đất trong một thế trận chiến tranh nhân dân. Làng Đông Sơn khi đó là trung tâm của Tiểu khu Hàm Rồng. Làng thành lập trung đội dân quân trực tiếp chiến đấu, là lực lượng chính phối thuộc, tăng cường cho các đơn vị pháo phòng không ở Đồi Không Tên, Đồi 37, Đồi 57, Đồi C4...

Do được huấn luyện nên các dân quân của làng có thể ngồi vào mâm pháo chiến đấu như bộ đội chính quy. Chỉ hơn 30 người nhưng họ đã thực sự như một đơn vị chiến đấu. Bây giờ họ vẫn sống ở làng, vẫn sinh hoạt trong câu lạc bộ cựu dân quân, nhưng các thành viên đa phần cũng đã già yếu.

Những năm chiến tranh, nhà thơ Huy Cận khi về Đông Sơn thực tế cuộc sống chiến đấu tại đây đã có bài thơ “Chào Đông Sơn” với những câu: “Đông Sơn thôn anh hùng đánh Mỹ/ Nơi sơ sinh nền văn hóa quê mình/ Trống đồng vọng từ ba mươi thế kỷ/ Lấp lánh trong luồng mắt chớp ra đa".

Cũng vì bài thơ đó mà sau này người Đông Sơn luôn nghĩ làng mình là anh hùng, cũng chẳng ai nghĩ đến việc xin phong tặng nữa, thành ra trong khi các làng Nam Ngạn, Yên Vực đều được phong anh hùng trên giấy trắng mực đen thì Đông Sơn mới chỉ anh hùng trong thơ. Ông Nguyễn Vệ không băn khoăn vì điều đó. Điều ông băn khoăn là Hang Làng lẽ ra phải được công nhận là di tích cách mạng vì nơi đó là trụ sở hoạt động của Ủy ban Hành chính kháng chiến.

Những năm bom đạn, khoảng hai chục nóc nhà bị thiệt hại, một nhà cổ bị cháy, một số người bị chết do pháo kích câu từ Biển Đông vào…

nhung-do-dong-co-tai-thanh-hoa.jpg
Những đồ đồng cổ tại Thanh Hóa.

Cái nôi của văn hóa Đông Sơn?

Có một điều gì quan trọng, thiêng liêng hơn thế, ngay từ những năm chiến tranh người ta đã cảm nhận mãnh liệt trên mảnh đất này mà bỏ qua những thứ nhất thời khác. Những hiện vật tìm thấy ở Đông Sơn những năm cuối nửa đầu thế kỷ XX đã khiến nhiều nhà khảo cổ nước ngoài nghĩ đến một nền văn hóa bắt đầu từ nơi đây. Dù chiến tranh nhưng Đông Sơn vẫn có nhiều đoàn khảo cổ về làm việc. Một nhà khảo cổ đến từ Hà Nội đã nói với những pháo thủ đồi C4 rằng, “tuyệt diệu quá, trận địa pháo của các đồng chí đang đặt lên nền văn hóa Đông Sơn”.

Đó là một sự thật đã được thế giới ghi nhận. Người cán bộ khảo cổ tâm huyết ấy sau đó đã hy sinh trên chính trận địa C4 trong một trận đánh. Công cuộc khảo cổ của ông đã được các đồng nghiệp tiếp tục cho đến sau ngày đất nước hòa bình, Bắc - Nam về một mối.

Ông Nguyễn Vệ dẫn tôi đi dọc bờ sông Mã đến vị trí phát tích của chiếc trống đồng đã gọi tên làng. Anh ruột của ông nội ông chính là người đã ghi tên vào lịch sử gắn với việc định danh một nền văn hóa - cụ Nguyễn Văn Nắm. Cụ Nắm chính là người tìm thấy chiếc trống gọi tên nền văn hóa Đông Sơn vào năm 1924.

Rất nhiều tài liệu hiện tại, kể cả từ phía Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đều ghi nhầm tên cụ là Nguyễn Văn Lắm, có lẽ do sự nhầm lẫn do phát âm chữ N thành L, một lỗi phát âm khá nhiều người mắc phải. Sự việc ấy diễn ra tròn 100 năm trước. Cụ Nắm đã đi vào lịch sử ấy thời trẻ là một người đàn ông Đông Sơn bình dị nhưng cũng ẩn chứa nhiều khí chất.

Theo lời ông Nguyễn Vệ, ông Nắm khi đó 34 tuổi, ham đánh bạc và đi câu. Ông thường câu ở xứ Đồng Ra bên rìa làng, dọc sông Mã. Đây là phía lở, bờ sông dựng đứng. Địa thế ở đây thuận lợi cho việc câu cá, không như bền bồi.

Thế rồi buổi câu ấy ông nhìn thấy ở bờ sông có một cái hõm ăn sâu vào. Ông đã soi đèn vào xem bên trong có gì thì phát hiện ra một số đồ vật bằng đồng, trong đó có một chiếc trống hình trụ và một bộ ấm chén. Tất nhiên là ông làm sao ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa đặc biệt của chúng.

dinh-lang-dong-son.jpg
Đình làng Đông Sơn.

“Đi hết Đồng Ra đến Đồng Xuôi, dọc sông là bờ lở. Các nhà văn hóa không nghiên cứu đến điều kiện tự nhiên đó lại bảo sau một trận mưa rào trống lộ ra, mưa không làm lộ ra được vì hiện vật nằm sâu dưới đất. Vì là bờ lở nên ông nhà tôi mới thấy lộ ra một cái hàm. Ông vạch cỏ soi đèn vào hàm mới phát hiện ra trống đồng chứ không phải mưa làm lộ ra”, ông Vệ đứng bên bờ sông vừa chỉ cho tôi thấy vừa phân tích.

Ông Nguyễn Văn Nắm là anh trai ruột của ông nội ông Vệ nhưng gần gũi thân thiết chẳng khác gì ông nội. Ấy thế mà khắp nơi người ta lại cứ đăng người phát hiện trống đồng đầu tiên là ông Nguyễn Văn Lắm, sai toét cả. “Vừa rồi tôi đi hội nghị tôi bảo đừng tự đặt tên cụ, tên húy của ông nhà tôi là Nắm. Bốn anh em ruột của ông tôi tên lần lượt là Nắm - Mớ - Rụt - Rè. Tôi phải kể đủ 4 tên húy như thế để hội nghị không tranh cãi”.

Ông Vệ bảo, họ nhà tôi mất gia phả rồi. Nhưng dù mất gia phả thì có những việc ông vẫn nhớ như in, bởi chính ông là nhân chứng. “Cụ nhà tôi phong lưu lắm. Cụ đi đánh bạc, thắng thì chở hàng thuyền tiền bạc của cải, đồ đạc về nhưng thua thì người ta đến nhà, trong nhà có gì chở đi hết”. Vậy nên, sau khi tìm thấy trống đồng cụ đã bán phắt cho viên thuế quan người Pháp. Tuy vậy thì sau khi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội lên tiếng về giá trị các cổ vật, chính quyền bảo hộ cũng cấp cho cụ giấy chứng nhận tìm thấy chiếc trống đồng này tại bờ sông Mã, nơi bến lở. Thế nhưng ngay cả tấm giấy ấy sau đó cụ cũng cầm cố để đánh bạc nốt. Dù thế thì sự việc ấy quá hiển nhiên, đã đóng đinh vào lịch sử mà không cần chứng nhận gì.

Những đồ vật bằng đồng ông Nắm tìm thấy năm 1924 ấy đã được một người Pháp tên là L.Pajot mua lại. Sau đó, sự việc được báo lên Trường Viễn Đông Bác Cổ và nhà khảo cổ Pajot được ủy nhiệm tiến hành khai quật ở Đông Sơn.

Những cổ vật tìm thấy tại Đông Sơn được công bố vào năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của giới khảo cổ đương thời. Nhiều học giả đã xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một nền văn hóa riêng biệt. Đặc biệt, năm 1933, học giả người Áo là R.Heine - Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa đồ đồng là văn hóa Đông Sơn.

Kể từ đó, thuật ngữ văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kì văn minh đầu tiên của người Việt cổ, mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang. Nền văn hóa ấy được đặt theo tên địa phương nơi phát hiện các dấu tích đầu tiên của nó. Và tên của ngôi làng nhỏ bên bờ sông Mã đã trở thành tên gọi của một nền văn hóa.

ong-nguyen-ve-tai-vi-tri-tim-thay-chiec-trong-dong-nam-1924-ben-bo-song-ma.jpg
Ông Nguyễn Vệ tại vị trí tìm thấy chiếc trống đồng năm 1924 bên bờ sông Mã.

Vị trí tìm thấy chiếc trống đồng đặc biệt năm xưa hiện nằm trong khuôn viên Nhà máy phân lân Hàm Rồng. Ông Vệ xé hàng rào dẫn tôi đi tiếp dọc sông Mã, vạch cây cỏ um tùm để chỉ về vị trí khai sinh nền văn hóa. Không có một dấu hiệu nào để nhận biết ngoài trí nhớ của ông. Dọc bờ sông này sau đó những cán bộ khảo cổ đã về đào các hố khai quật và tìm thấy rất nhiều hiện vật quan trọng của thời đại đồng thau, tiếp tục chứng minh cho giả thiết về sự tồn tại của một nền văn hóa.

Ông nội ông Nguyễn Vệ là cụ Nguyễn Văn Mớ, em ruột kế tiếp của cụ Nguyễn Văn Nắm. Sau này, khi Đông Sơn kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới, cụ Nắm đã rời làng đi khai khẩn đất hoang, lập làng mới mãi trên huyện Như Thanh, mấy chục hộ lại đi mở đất như thuở Đông Sơn lập làng. Nhớ quê, nhớ làng, một phần vì ở Như Thanh không có nghề chơi, nghề câu cá, đánh bạc nên bạn bè vẫn rủ cụ Nắm về quê cũ. Nhà cũ không còn, mỗi lần về chơi cụ thường ở nhà ông em ruột là cụ Nguyễn Văn Mớ, ông nội của ông Vệ, vì thế ông Vệ đã được nghe nhiều câu chuyện từ người anh của ông nội mình.

Tấm giấy chứng nhận tìm thấy trống đồng do viên quan mà ông nhớ tên phát âm tiếng Việt là Bang Tá của chính quyền bảo hộ kí đã trôi dạt trên những chiếu bạc chẳng biết đi về đâu. Sau đó gia đình cụ Nắm cũng trôi dạt tiếp khi một lần nữa đi kinh tế mới vào Đồng Nai. Hậu duệ của cụ Nắm hiện sống tại TPHCM, không còn ai ở làng, ông Vệ là đời sau gần nhất còn sống ở Đông Sơn.

Vị trí tìm thấy chiếc trống đồng đặc biệt năm xưa hiện nằm trong khuôn viên Nhà máy phân lân Hàm Rồng. Ông Vệ xé hàng rào dẫn tôi đi tiếp dọc sông Mã, vạch cây cỏ um tùm để chỉ về vị trí khai sinh nền văn hóa. Không có một dấu hiệu nào để nhận biết ngoài trí nhớ của ông.

Dọc bờ sông này sau đó những cán bộ khảo cổ đã về đào các hố khai quật và tìm thấy rất nhiều hiện vật quan trọng của thời đại đồng thau, tiếp tục chứng minh cho giả thiết về sự tồn tại của một nền văn hóa.

Nhìn phong thái người cháu nội chi dưới của “nhà khảo cổ” bất đắc dĩ Nguyễn Văn Nắm hăm hở giới thiệu về vị trí phát tích trống đồng, chẳng hề băn khoăn về việc nó bị lãng quên trong sự vô tâm tôi như thấy lại phảng phất hình bóng tiền nhân. Anh Trịnh Văn Tuấn, cán bộ Ban Quản lí di tích Hàm Rồng cho biết, theo quyết định của cấp trên thì vị trí bên bờ sông Mã có những hố khảo cổ ấy sẽ xây dựng công viên khảo cổ học. Tuy vậy, năm 2024 này đúng tròn 100 năm phát hiện chiếc trống đồng để giới khảo cổ nghiên cứu gọi tên nền văn hóa Đông Sơn thì mọi thứ bày ra trước mắt tôi vẫn còn ngổn ngang, hoang hoải...

Rì rầm tiếng đất

Đông Sơn thôn xưa thuộc Đông Sơn xã, Đông Sơn huyện, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa. Nay làng Đông Sơn thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Đất Đông Sơn đã chịu 6 lần mổ xẻ để tìm kiếm những thông điệp lịch sử từ năm 1954, khi miền Bắc hòa bình. Một lượng hiện vật lớn đã được tìm thấy đủ nói lên những tiếng nói về khoa học khảo cổ, đủ để gọi tên một nền văn hóa đánh dấu thời kì văn minh của người Việt cổ khởi phát tại đất này. Đào lên rồi lấp xuống, nhiều người làng Đông Sơn hôm nay cũng không còn nhớ những hố khảo cổ ấy nằm chính xác chỗ nào. Chỉ duy nhất lần gần đây, năm 2003, Viện Khảo cổ học Việt Nam sau khi đào khai quật xong đã giữ lại các hố khảo cổ, dựng mái che và ghi thông tin làm lưu niệm cho khách tham quan.

Cũng đợt khai quật này đã phát hiện hàng ngàn hiện vật với 5 tầng văn hóa phát lộ, minh chứng cho sự phát triển liên tục của cộng đồng người Việt trên đất Đông Sơn từ trước cả thời Văn hóa Đông Sơn cho đến ngày nay.

Sau những chuyển vần của con tạo thời gian, sau bao binh đao, bao biến động, lấp vùi, đất lại hiền như đất, cỏ lại xanh như cỏ. Nhưng đi giữa Đông Sơn hôm nay, từng tấc đất vẫn như rì rầm những câu chuyện của lịch sử, âm vọng mấy nghìn năm vẫn vi vút dưới những bước chân người…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Sơn, những vọng âm từ đất