Chúng tôi xuôi từ Cần Thơ về thành phố Ngã Bảy bằng chuyến tàu thủy trên dòng sông Hậu. Đây là thành phố thứ hai của tỉnh Hậu Giang, mới được công nhận chừng 5 năm. Năm nay kỷ niệm 110 năm hình thành vùng đất sông nước Ngã Bảy (1914-2024).
Xưa thành phố Ngã Bảy là vùng đất huyện Phụng Hiệp của tỉnh Cần Thơ (cũ). Nơi đây là một trong những vựa lúa mang danh cho thủ phủ Nam Bộ rằng: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Mới đó mà đã hơn một trăm năm trôi qua. Phụng Hiệp là vùng sình lầy cỏ lác và lau sậy mênh mang. Dân nơi đây sống luôn phải chống trọi với thiên tai và cướp bóc rình rập. Những vùng đất khai hoang thưa thớt và họ sống chủ yếu dựa vào vợt tôm bắt cá. Mùa màng một vụ đói ăn. Còn buôn bán làm ăn thì ám ảnh khôn nguôi: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi!/ Mua bán không lời chèo chống mỏi mê”.
Rồi dân vùng Phụng Hiệp bất ngờ chuyển mình vào những năm tháng kiệt cùng cam go. Đó là câu chuyện của những năm đầu thế kỷ 20. Khi con sông Cái Côn đường đào rộng vét sâu mở cửa kênh thông với sông Hậu Giang. Đồng thời những kênh rạch nhỏ leo lắt vào các xóm bãi quanh vùng cũng được đào rộng và nạo vét dẫn nước ngọt vào đồng ruộng canh tác. Một hệ thống đường thủy kênh đào mở rộng, thông ra sông Cái Côn cho tàu thuyền lớn qua lại chở hàng đi khắp nơi. Nào đường tàu đi về Sóc Trăng hay ngang về Rạch Giá. Nào đường sông dẫn về Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu. Các đường này dài từ 40 tới 60 km. Riêng con sông Quan Lộ nối thông Cái Côn đi thẳng về Cà Mau dài tới 140 km. Cái Côn là tụ điểm thu hút tạo thành bảy chi lưu lớn xuôi về khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đây, giao thương phát triển và náo nhiệt những con chợ trên sông: “Sông Tiền, sông Hậu cùng nguồn/ Thuyền bè tấp nập bán buôn dập dìu”. Khu chợ nổi Ngã Bảy được hình thành sớm tại đất Phụng Hiệp. Dân thương hồ khắp nơi hội tụ về đây mua hoa trái và bán các hàng nông sản của địa phương. Phụng Hiệp trở thành trung tâm giao thương của lục tỉnh Nam bộ. Chợ nổi Ngã Bảy vang danh: “Ngã Bảy chợ nổi trên sông/ Bồng bềnh mặt nước, chợ đông sớm chiều”. Hội tụ nơi bảy con sông nuôi dưỡng đất đai Phụng Hiệp trù phú mỡ màng cây trái xum xuê. Rồi từ đó Phụng Hiệp trở thành trung tâm một huyện. Chợ nổi Ngã Bảy là gương mặt kinh tế thương mại điển hình cho vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Với hình dạng ngôi sao vùng sông nước Phụng Hiệp độc đáo và hấp dẫn du khách tới mua sắm. Khi được nâng cấp thị trấn huyện rồi lên thị xã, Ngã Bảy đã được ví là thành phố “Ngôi sao” hướng năm cánh về lục tỉnh Nam bộ.
Bộ mặt kinh tế sông nước tạo nên vùng văn hóa mới cho đất Phụng Hiệp. Bắt nguồn từ tính cách người dân Nam Bộ đầy nhân ái và thực thà, cư dân Phụng Hiệp không chỉ là thương hồ mà còn là những nông dân giàu tình nghĩa. Đâu đâu, ai cũng nhớ tới câu hò dễ thương trên sông Cái Côn: “Gặp em Ngã Bảy ơ hò…/ Dòng sông bảy ngã tim em nơi nào”. Người hướng dẫn viên còn đọc cho chúng tôi nghe câu hát trong bản đờn ca tài tử vang danh nơi đây: “Hẹn em chỉ một bến yêu/ Bảy sông, bảy ngã, bảy chiều gió bay/ Thuyền anh vượt xoáy nước đầy/ Tìm em nghiêng sóng vững tay căng buồm”. Bảy ngã sông cùng con chợ đã tạo nên vùng văn hóa đờn ca tài tử Phụng Hiệp với bản sắc của riêng mình như thế.
Vừa qua, thành phố Ngã Bảy mới tổ chức ngày hội kỷ niệm 110 năm hình thành vùng đất Ngã Bảy. Đây là dịp khuếch trường năm du lịch Hậu Giang nhằm tôn vinh kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã và 5 năm được đưa lên thành phố Ngã Bảy. Phần hội là chương trình nghệ thuật “Tình anh bán chiếu”. Ai cũng biết rõ chợ nổi Ngã Bảy gắn liền với bài hát này của nhạc sĩ cải lương huyền thoại Viễn Châu (1924-2016) suốt gần 70 năm qua. Chúng tôi còn được dẫn tới xóm Rẫy bên bờ tả sông Cái Côn, trung tâm chợ nổi Ngã Bảy. Trên một gò đất sát sông có tấm biển ghi rõ chính nơi đây nhạc sĩ Viễn Châu đã ngồi nghỉ sau chuyến đi từ Cà Mau lên. Tâm hồn nhạc sĩ chất chứa bao cảm xúc dâng trào khi dừng chân nghỉ bên bờ kênh.
Chợ nổi Ngã Bảy nhộn nhịp trong niềm vui kẻ chợ sống động rộn ràng. Những câu hò đối đáp giao duyên của những thương hồ thật bay bổng. Tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt trong một lễ cưới trên sông thu hút hàng trăm người trên những thuyền hàng. Họ vẫy chào và chúc cho lứa đôi hạnh phúc. Ai đó bỗng cất giọng hò: “Sông dài cá lội biệt tăm/ Phải duyên chồng vợ hò ơ…/ Phải duyên chồng vợ ngàn năm em cũng chờ”. Cứ thế nhạc sĩ tài hoa Viễn Châu cắm cúi ghi chép lại những lời ca dân gian sông nước. Đoàn thuyền cô dâu, chú rể đi ngang qua xóm Rẫy. Bất ngờ nhạc sĩ Viễn Châu nhìn thấy một người đàn ông ôm đôi chiếu ngồi trên bờ nhìn theo thuyền hoa đám cưới. Đôi mắt người đàn ông này buồn bã hướng về tà áo cưới cô dâu. Nhạc sĩ Viễn Châu sững người tỏ lòng thương cảm với người bán chiếu thẫn thờ bên sông. Bất ngờ ông tưởng tượng ra câu chuyện tình của người bán chiếu với cô gái trên bờ kinh Ngã Bảy. Nỗi buồn qua ánh ánh mắt kia hiện lên trong câu ca bật ra từ giọng hò mà ông vừa nghe: “Hò ơ…ơ! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm”. Câu chuyện cứ thế diễn ra qua lời ca buồn tủi và oán trách của người bán chiếu. Nhạc sĩ ngạc nhiên vì cảm xúc sáng tạo chợt tới bên sông Ngã Bảy. Bản tình ca tự sự nỗi lòng người bị phụ bạc trong tình yêu đã tạo nên bản vọng cổ để đời sau đó.
Nhạc sĩ Viễn Châu viết bài “Tình anh bán chiếu” vào năm 1959. Ông đã tạo dựng một đỉnh cao nghệ thuật cải lương cho nghệ sĩ Út Trà Ôn ngày đó. Sinh thời, ông từng kể thật ra bài hát là một món hàng trả nợ cho một hãng đĩa độc quyền giọng hát Út Trà Ôn mới nổi danh. Ngay năm sau, Út Trà Ôn được giải nhất giọng ca vàng vọng cổ của Sài Gòn. Bài hát được lưu truyền cho tới ngày nay qua hàng trăm cuộc thi đờn ca tài tử khắp miền Nam. Trong lễ hội thành phố Ngã Bảy, ban tổ chức đã cho dựng lại hoạt cảnh “Tình anh bán chiếu” để tôn vinh ánh sáng văn hóa đờn ca tài tử tại quê hương. Người dân nơi đây đều có thể tham gia ban đờn ca tài tử và ai cũng thuộc câu kết của khúc ca tình yêu này: “Hỡi ôi! con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã, thì lệ tôi sao nó cũng lai láng tuôn dòng/ Sông sâu bên lở bên bồi/ Tình anh bán chiếu trọn đời không phai” (Tình anh bán chiếu).
Người dân Hậu Giang luôn mong chờ về thành phố thứ hai của họ bên Ngã Bảy sông sẽ thay hình đổi dạng bất ngờ. Thành phố mới như ẩn chứa một mô hình hiện đại với những “cung điện” và tòa “lâu đài” rực rỡ như trong cổ tích. Đó là mảnh đất sẽ vươn dậy đầy sức vóc của chàng Thánh Gióng. Thành phố Ngã Bảy có lợi thế khi con đường 1A đi qua cùng với những cung đường ven sông đi về khắp lục tỉnh nhanh chóng. Chúng tôi đứng trên cầu lớn Phụng Hiệp hướng về mọi ngả mới thấy vẻ đẹp kỳ vĩ của những con đường đan xen và rộng mở. Bên trục đường 1A nhiều công trình và đô thị công nghiệp đang hoàn thiện tạo nên cảnh quan một thành phố hiện đại trong tương lai.
Hướng dẫn viên nói, mọi cung đường bộ được mở rộng theo những dòng kênh làm cho Thành phố Ngã Bảy trở thành trung tâm giao thông của tỉnh Hậu Giang. Đó là hình ảnh những cánh hoa tỏa đi muôn hướng mang hương thơm về mọi miền xa. Những dòng sông nhớ luôn còn đó. Một tình yêu thân thương trào dâng trong câu hát “Tình anh bán chiếu” luôn văng vẳng trên dòng sông Phụng Hiệp như xưa. Bởi lẽ đó chính là linh hồn của thành phố luôn nương nhờ và bắt đầu từ: “Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngã/ Thuyền đến rồi về ngã nào đây?” (ca dao).