Đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67: Ưu đãi thành ngược đãi

Tấn Thành - Chí Đại 15/05/2017 14:24

Một số con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 với giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng khi ra khơi thì “hỏng hết chỗ này đến chỗ khác”, vỏ thép qua vài chuyến biển đã xuất hiện hoen gỉ.

Tàu vỏ sắt Sang Fish 01 dù hiện đại nhưng ngư dân vẫn trả lại hãng đóng tàu.

Nghị định 67 của Chính phủ ban hành “một số chính sách phát triển thủy sản” (NĐ67) thật sự là một cú hích lớn đối với ngư dân trong việc khai thác thủy hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ. Bởi vì họ có điều kiện để cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu có công suất cao để vươn khơi xa.

Thế nhưng trước những bất cập của tàu vỏ sắt đã khiến không ít ngư dân ngán ngẫm. Đó là chất lượng và thiết kế không như ý, máy móc hư hỏng liên tục khi ra khơi và còn nhiều vấn đề khác.

Đơn cử như tàu vỏ sắt Sang Fish 01 theo thiết kế với công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn, có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng. Đây là con tàu có vận tốc lên đến 11 hải lý/giờ, chịu được bão cấp 9, các khoang chứa dầu trên tàu được thiết kế độc lập và tiết kiệm được khoảng 30% nhiên liệu so với tàu gỗ.

Ngư dân Lê Văn Sang không còn kỳ vọng ở con tàu Sang Fish 01.

Sang Fish 01 còn có các thiết bị hiện đại như máy Icom giá hơn 100 triệu đồng, máy định vị GPS có khả năng định vị chính xác tọa độ để đánh bắt và thu mua hợp pháp trên biển, hệ thống bảng điều khiển điện chiếu sáng, báo động trên tàu,...

Sang Fish 01 ngoài đánh bắt còn đảm nhận nhiệm vụ hậu cần nghề cá ở Hoàng Sa. Đây là con tàu được thiết kế 6 khoang hầm có khả năng chứa đến 220 tấn hải sản và bảo quản an toàn. Trên tàu còn được thiết kế khoang chứa nước sạch, phòng vệ sinh, phòng tắm cho các thuyền viên, nhằm đảm bảo sinh hoạt cho các thuyền viên bám biển dài ngày…

Hiện đại là thế nhưng ngư dân vẫn quyết trả lại tàu. Lý do trả lại con tàu nói trên, thuyền trưởng Phan Bé (44 tuổi), quê huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đồng chủ tàu Sang Fish 01 cho biết: Ngay chuyến ra khơi đầu tiên con tàu đã bị hỏng tơi tời, phải về bờ sửa chữa với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Còn sau 10 chuyến biển biển tiếp theo con tàu hỏng đến 4 lần, làm ăn không có lãi. Máy móc xuống cấp hư hỏng nặng.

Tàu cá vỏ thép QNg 90999 TS liên tục bị hư hỏng phải đưa vào bờ sửa chữa.

Còn ngư dân Lê Văn Sang đồng chủ tàu với thuyền trưởng Bé cho biết: “Gió cấp 5 trở lên là con tàu lắc không chịu nổi mà nguyên nhân là do con tàu thiết kế chiều cao của cabin cao hơn tàu gỗ và chiều rộng của lường tàu cũng hẹp dẫn đến không cân đối. Tàu lắc dữ thì không thể thả lưới đánh bắt hải sản trên biển được”.

Còn ngư dân Võ Vă Hân (54 tuổi), trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chủ tàu cá vỏ thép Biển Đông 1, QNg 90999 TS, có công suất 811 CV cho biết: “Tàu vỏ thép QNg 90999 TS của tôi, có tổng chi phí khoảng 15,5 tỷ đồng. Đến nay tàu đã có 5 chuyến biển nhưng tất cả đều bị trục trặc ở bộ phận máy kéo dẫn đến bắt không đạt hiệu quả, lỗ nặng. Hơn một năm qua chi phí tu sửa chữa tàu lại tốn hơn 1 tỷ đồng”.

Tương tự, tàu cá vỏ thép QNg 91131 của ngư dân Nguyễn Thanh Hồng, trú xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi vào ngày 31/3, trong lúc hành nghề cách vùng biển đảo Lý Sơn về phía Đông Nam khoảng hơn 80 hải lý thì máy chính bị hỏng nhưng không khắc phục được nên ngư dân đành thả tàu trôi tự do trên biển báo động xin cứu hộ.

Chúng tôi còn được biết, không chỉ ngư dân Quảng Ngãi trả tàu mà ngư dân Bình Định cũng vậy.

Tháng 8/2016, con tàu vỏ thép mới mang số hiệu BĐ 99567 TS, công suất 811 CV của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (57 tuổi, trú ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Tàu cá vỏ thép QNg 90999 TS liên tục bị trục trặc ở bộ phận máy kéo lưới.

Ông Mạnh rất tự tin với tàu vỏ sắt này, nhưng ra khơi, lưới bủa đến đâu đều bị cuốn hết vào gầm chân vịt đến đó, không đánh đánh bắt được thế là lỗ vốn. Sau khi bỏ ra thêm 1,5 tỷ đồng để cải hoán tàu, đến cuối tháng 1/2017 tàu ông Mạnh ra khơi chuyến biển thứ 2 thì lần này bánh lái chiếc tàu lại bị sóng đánh văng ra biển, thế là lại sửa chữa, lại thua lỗ.

Chuyến thứ 3, tàu đánh bắt có cá, nhưng các khoang tàu không thoát nước khiến các hầm muối bị ngập làm hỏng hết cá, thế là lại thua lỗ.

Tương tự tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99004 TS, công suất 811 CV của ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cũng cùng cảnh ngộ. Theo ông Lý, 4 chuyến biển đầu khiến ông thâm nợ thêm gần 500 triệu đồng. mặc dù đóng con tàu này xong ông còn nợ ngân hàng đến 13,6 tỷ đồng…

Ngư dân Sang cho rằng: “Hãng đóng tàu cho biết, tàu Sang Fish 01 được đóng với loại thép tốt nhất nhập khẩu từ Ucraina. Thế nhưng qua 10 chuyến biển đã xuất hiện hoen gỉ. Còn động cơ thủy lắp cho con tàu là hiệu Cummins xuất xứ từ Mỹ, nhưng đây là máy cũ đã qua sử dụng được công ty nhập về lắp ráp cho con tàu.

Một số bộ trên tàu QNg 90999 TS bị nứt hư hỏng..

Vì thế đánh bắt hải sản trên biển thì động cơ thủy cũng bị hỏng phải sửa chữa. Còn các thiết bị, dụng cụ, máy móc còn lại như Icom, máy phát điện loại nhỏ đều nhập từ nước ngoài trong đó có xuất xứ từ Nhật nhưng không có xuất xứ từ Trung Quốc”.

Còn thuyền trưởng Phan Bé cho biết: “Con tàu được thiết kế và với những máy móc hiện đại nên chúng tôi rất kỳ vọng vào nó. Trước hết thời gian đi lại giữa bờ và Hoàng Sa được rút ngắn để hải sản được tươi sống, bán giá hợp lý. Hơn nữa với tình hình Biển Đông hiện nay các tàu Trung Quốc luôn cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, việc ra khơi trên con tàu này sẽ an toàn hơn. Dù có thể bị đâm, va nhưng vỏ sắt thường bị móp chứ không dễ bị chìm như những tàu gỗ khác… Thế nhưng như đã nói, máy móc con tàu hư hỏng liên tục, thiết kế khiến tàu rung lắc, thả lưới bị cuốn vào tàu và rất nhiều nguyên nhân khác. Đi mỗi chuyến lỗ hàng trăm triệu đồng ai dám dùng. Đó là chưa nói, khi tàu vỏ sắt bị hư hỏng hoặc cần sửa chữa thì phải đưa đến cơ sở đóng tàu vỏ sắt để sửa chữa, cách xa địa phương, cảng bến của mình, điều này gây khó khăn và tốn kém cho ngư dân”.

Phải nói rằng, NĐ67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản là một điểm tựa của ngư dân. Qua đó để ngư dân cải hoán, đóng mới, tàu to lớn để vươn khơi xa, đánh bắt thủy hải sản hiệu quả. Thế nhưng vẫn còn những bất cập nêu trên, khiến ngư dân ngán ngẩm với tàu vỏ sắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67: Ưu đãi thành ngược đãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO