Xoài là một mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn. Tại tỉnh Đồng Tháp, xoài còn được lựa chọn là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Ngày 28/4, trong khuôn khổ lễ hội xoài 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài và trao đổi giữa nông dân, hội quán trồng xoài với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong những năm gần đây, xoài là một mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn. Như tỉnh Đồng Tháp, xoài còn được lựa chọn là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Tổng diện tích trồng xoài cả nước là trên 115.000 ha với sản lượng gần 1 triệu tấn, đứng hàng thứ 13 trong các nước trồng xoài trên Thế giới, trong đó đứng đầu là Ấn Độ (chiếm 55% sản lượng toàn cầu), kế đến là Trung Quốc với sản lượng 18 triệu tấn.. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ nâng lên 650 triệu USD.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có diện tích xoài lớn nhất vùng ĐBSCL với diện tích đạt là 11,4 nghìn ha (chiếm 24% diện tích xoài cả vùng), kế đến là An Giang 11,2 nghìn ha (24%), Vĩnh Long 5,0 nghìn ha (11%), Tiền Giang 3,9 nghìn ha (9%), Hậu Giang 3,6 nghìn ha (8%), Cần Thơ 2,9 nghìn ha (6%), Sóc Trăng 2,1 ha (5%), Kiên Giang 2,0 ha (4%)…
Giai đoạn 2016-2020 xuất khẩu xoài của Đồng Tháp có nhiều dấu ấn. Đặc biệt, năm 2019, lần đầu tiên, trái xoài Đồng Tháp - xoài Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau hơn 10 năm trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch Việt Nam - Mỹ. Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, New Zealand.
Hiện nay, cả tỉnh đã có 4.533 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm khoảng 40% diện tích xoài của tỉnh), 376 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Nga (chiếm khoảng 3,3% diện tích xoài của tỉnh).
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận về tình hình sản xuất xoài Việt Nam, định hướng và giải pháp phát triển bền vững; Các quy định kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên xoài, biện pháp kiểm soát hạn chế rủi ro khi xuất khẩu xoài; Tình hình xuất khẩu xoài và định hướng phát triển thị trường xoài;… Đồng thời, nghe các chuyên gia thông tin, chia sẻ các tiêu chuẩn và rào cản kỹ thuật về nhập khẩu xoài Việt Nam sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Úc,… những thuận lợi, khó khăn khi tham gia chuỗi liên kết và xuất khẩu xoài.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành xoài trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo quản và vận chuyển xoài xuất khẩu, giải pháp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị ngành hàng xoài, nhằm đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thực hiện bàn giao bộ tài liệu “Quy trình thao tác chuẩn cho chuỗi cung ứng xoài phục vụ xuất khẩu” cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp.
Với mục đích, tăng cường sự hợp tác nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương. Tại hội nghị, cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại huyện Cao Lãnh giữa Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam; UBND huyện Cao Lãnh; Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Tháp và Hợp tác xã xoài Mỹ Xương. .
Theo đó, các bên sẽ hợp tác, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện Cao Lãnh giai đoạn đến năm 2025 thông qua việc truyền thông, hỗ trợ, tư vấn, triển khai để các cơ quan, tổ chức và người dân được trải nghiệm, sử dụng các sản phẩm, giải pháp giúp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh và các giá trị mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh góp phần phát triển kinh tế số của địa phương