Đồng thuận tạo sức mạnh

Cẩm Thuý (thực hiện) 02/07/2018 12:22

Không gian mạng xã hội, sau nhiều năm xuất hiện đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của con người hiện đại ngày nay. Sự phong phú, phức tạp như cuộc đời của mạng xã hội vừa đòi hỏi những chế tài để quản lý về mặt pháp luật (Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng), vừa đặt ra những suy ngẫm về nhân tình thế thái, về mối quan hệ và ứng xử giữa con người với con người. Mạng xã hội một mặt vừa thúc đẩy việc hướng tới một xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh; mặt khác cũng bộc l

Đồng thuận tạo sức mạnh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long. Ảnh: Thành Long

PV:Thưa ông, trước hết là cá nhân ông đã tham gia vào mạng xã hội như thế nào?

PGS.TS Phạm Quang Long: Tôi tham gia mạng xã hội như nhu cầu của bản thân và thấy nó được nhà nước cho phép, như một công dân bình thường. Tôi không tham gia mạng xã hội như có người nghĩ “chơi cho vui” mà tôi vì công việc.

- Sau một thời gian tham gia vào mạng xã hội, ông cảm thấy thế nào? Đó quả là một bước tiến bộ lớn của nhân loại khi đã tạo ra một không gian xã hội mới?

- Tôi thấy mạng xã hội là một không gian có rất nhiều yếu tố thực chứ không chỉ ảo như nhiều người nghĩ. Nó phản ánh những vấn đề xã hội, tâm thế xã hội, nhu cầu giao tiếp của con người… Có những người xuất hiện trên mạng không giống với con người họ ngoài đời là họ cố tình tạo ra một diện mạo khác, vì động cơ gì chưa biết nhưng điều đó không bình thường. Không ít người tham gia mạng xã hội có thái độ không đúng mức đã bị cộng đồng góp ý để họ tự điều chỉnh. Có người đã nhận ra và viết lên đó. Thế là tốt. Mạng xã hội cũng như một xã hội thu nhỏ, có người này, người kia. Và người ta ứng xử, giao tiếp với nhau cũng như ngoài xã hội (ngoại trừ những kẻ mạo danh, đội lốt để gây nhiễu, gây rối thì tôi cho rằng những kẻ đó cũng như lũ xấu ngoài xã hội. Ngoài xã hội thì công an, luật pháp điều chỉnh các hành vi ấy, trong mạng xã hội cũng cần như vậy). Nhiều nhà khoa học đăng các kết quả nghiên cứu của mình lên đó và tôi đọc được trên mạng, không cần mua sách, không cần đi thư viện. Tôi còn tham gia những nhóm gia đình, họ hàng, lớp đại học, nhóm cựu sinh viên LGU v.v…Có việc gì gửi tin lên đó, rất tiện. Thậm chí mời đám cưới bây giờ người ta cũng gửi qua FB. Nói như thế để thấy không gian mạng rất cần cho mọi người. Tôi coi không gian mạng như một thành tựu của trí tuệ nhân loại và tôi sử dụng nó để phục vụ nhu cầu của mình.

- Có lúc nào ông cảm thấy thất vọng bi quan về cách người ta ứng xử trên mạng xã hội không?

- Tôi đã nói rồi. Có những lúc như thế. Nhưng cũng như ngoài đời, người năm bảy đấng, của ba bẩy loài. Cũng may là họ không bộc lộ ra mình chả biết họ là người thế nào. Nhưng tôi học được nhiều hơn là bị mất.

- Cách biểu thị trên mạng xã hội ở Việt Nam, đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu, ông thấy điều gì là nổi trội ở hàm ý là một thói quen (hoặc thói xấu) cố hữu của dân tộc?

- Cái này rất khó nói vì cần có những nghiên cứu cẩn thận, khoa học, không nên chủ quan. Tôi chưa đặt vấn đề nghiên cứu điều đó vì giờ già rồi, không còn thời gian cho những việc như vậy nữa. Nhưng, tôi nói cảm nhận của cá nhân, mà cảm nhận thì đầy cảm tính, võ đoán, có thể đúng, có thể sai là: cả cái tốt, lẫn cái xấu thuộc căn tính người Việt đều bộc lộ trong không gian mạng này. Tôi lấy mấy vì dụ ai cũng thấy là: thứ nhất, tinh thần lá lành đùm lá rách, chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Người ta đã gửi hàng ngàn, hàng triệu lời chia sẻ, động viên với những vùng, gia đình bị tai họa, đã quyên góp tiền của giúp đỡ những người yếu thế, bất hạnh, đã lên án những hành vi bất lương v.v…

Mạng là nơi mà dễ “đọc” nhất tâm thế xã hội và cũng là nơi dễ “đọc” nhất tâm lý đám đông, nhiều khi nói mà chưa hiểu biết, chưa suy nghĩ chín chắn, chưa đọc hết những thông tin đã lên tiếng khen hay chê theo kiểu “cánh hẩu”, thích thì khen, không thích thì chê chứ không căn cứ vào logic sự việc. Đấy là những điều tôi nhận thấy. Rồi còn có tâm lý thích phô trương, thích phê phán theo kiểu ta là nhất… Mấy thứ ấy có làm tôi thấy nản nhưng nghĩ lại lại thấy đó là một xã hội thu nhỏ nên lại bình tâm lại. Mình chọn lọc mà đọc. Ngay tôi cũng có người đọc không vỡ chữ, không hiểu mình nói gì nhưng cũng nhảy vào nói lấy được. Tôi block những người đó luôn.

Đồng thuận tạo sức mạnh - 1

- Ông có bao giờ bất chợt có một ý nghĩ, nếu các bậc trí thức lớn ngày xưa mà sống ở thời có mạng xã hội như ngày nay, thì không hiểu họ sẽ ứng xử như nào nhỉ? Hoặc giả vì có mạng xã hội mà có khi lại chả có được những tác phẩm lừng lững vì thời gian tranh luận trên mạng xã hội sẽ khiến họ không còn hứng thú với nghiên cứu và sáng tác nữa?

- Câu hỏi này tôi không thể trả lời vì không có chút tư liệu nào để nói cả. Mà đoán thì tôi không muốn. Nhưng tôi nghĩ vế hỏi thứ hai rất hay. Các trí thức lớn thời nào cũng cũng sống cùng với những lo toan, vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau của nhân dân mình. Họ dù về ở ẩn, lánh đời theo lẽ tàng của Nho giáo thì cũng không bao giờ vơi nghĩ về dân tộc, đất nước. Họ cũng phải lọc thông tin, phải suy ngẫm đúng sai nhiều lắm chứ. Chả nói đâu xa, đầu thế kỷ XX thôi, các cuộc tranh luận này lửa giữa các trí thức lớn đã vỡ ra nhiều vấn đề và giúp cho họ tiệm cận chân lý. Tranh luận không làm mất đi những đầu tư cho những tác phẩm lớn đâu mà nó kích thích sự sáng tạo, kích thích sự tìm tòi. Những trí thức lớn biết bỏ qua cái gì phù phiếm, chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn lao, thiết yếu của dân tộc, đất nước, thời đại chứ họ không sa vào những tranh cãi vụn vặt vì tầm của họ cao hơn đám đông, cao hơn những cái tầm thường. Họ tư duy trên những vấn đề lớn và họ lớn chính là ở những chỗ ấy.

- Trong một lần chúng tôi phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn có nói thế giới từ đông sang tây có vẻ như đang đồng loạt bế tắc khi những năm gần đây hầu như không xuất hiện các tác phẩm hoặc các trường phái nghệ thuật mới “gây sôi nổi” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh). Bác Khánh có lý giải là bởi thế giới đã đi hết biên độ phát triển và đang chờ một thời kỳ phục hưng mới. Còn theo ông thì sao? Có sự tác động nào của internet và mạng xã hội khiến văn chương nghệ thuật không còn là sự ưu tiên nữa không?

- Vấn đề nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nêu ra tôi chưa hiểu nên không có ý kiến. Ông ấy nói thế là vì đã đọc nhiều, ngẫm ngợi nhiều và ông nói thế là có lý của ông. Tôi có đọc đâu đó nói là thời của kỹ trị đã đi đến tận cùng của sự phát triển, đã đẩy con người vào chỗ bế tắc. Họ nói thế thì mình biết thế chứ mình có nghiên cứu gì đâu mà nói là đúng hay sai được. Tôi là người ít đọc, hiểu biết nông cạn nhưng lại tin vào một quan niệm của phương Đông là xã hội cũng như một hiện tượng khác, khi đã đi đến tận cùng một giai đoạn rồi thì sẽ sinh biến, từ biến sẽ thông nghĩa là sẽ hình thành nên một thứ khác. Internet và mạng xã hội đã khiến văn chương viết theo kiểu cũ mất dần ảnh hưởng là sự thực, không thể chối cãi. Ta cứ giữ những chuẩn mực của thời đã qua để áp vào những cái hiện tại mà xét đoán nó là phi lịch sử rồi. Hệ giá trị cũng biến đổi trong không gian và thời gian của nó. Vậy, tôi cũng không thấy Internet có cái gì nguy cho văn chương đâu. Nhưng thấy nếu đó là một xu thế không cưỡng được thì phải nghĩ các hứng xử phù hợp để khỏi bị văng ra khỏi guồng quay ấy. Như vấn đề toàn cầu hóa ấy, nó không trừ một quốc gia nào. Như học tiếng Anh và công nghệ thông tin bây giờ vậy. Ai không biết hai thứ đó khó có thể trở thành người phù hợp với thời cuộc ở ngay nước mình chứ chưa nói đến việc là “công dân toàn cầu”.

Tôi nghĩ chưa bao giờ mạng xã hội lại thể hiện tâm thế xã hội đa diện như hiện nay. Nhà quản lý cần nghe nhiều, thấy nhiều, nghĩ nhiều, biết nhiều trước khi quyết thì mạng xã hội là nơi cũng cấp rất nhiều thứ cần biết, cần nghe, cần ngẫm đấy chứ. Cần có sự sàng lọc nhưng đó là nơi để “đo” tâm thế xã hội, đo sự đồng thuận, đo lòng dân, đo nhiều thứ lắm.

PGS.TS Phạm Quang Long

- Cách đây không lâu, trong một lần phỏng vấn chúng ta cũng đã đề cập đến việc trang cá nhân như là một kênh để trí thức đóng góp tiếng nói phản biện xã hội, đóng góp ý kiến về các vấn đề quan trọng của đất nước. Ông đang thực hiện điều đó trên trang cá nhân của mình trong một tâm thế như thế nào?

- Tôi hoàn toàn không có tâm thức phản biện xã hội hay đóng góp các ý kiến gì cho đất nước khi tôi viết trong mạng xã hội vì tôi chưa thấy ai đề nghị tôi làm việc này bao giờ. Khi còn đi làm, tôi có vài lần được mời góp ý cho MTTQ thành phố hoặc một cơ quan nào đấy với tư cách là một người có hiểu biết ít nhiều về lĩnh vực tôi đã làm hơn 40 năm nay. Trong đời mình, tôi cũng đã tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng với hình thức xin ý kiến. Tôi thừa nhận có tình trạng về hình thức là dân chủ nhưng cách thức tổ chức chưa đến độ ấy. Vì sao ư? Vì đã định hướng mời ai “đừng gai góc quá” của người tổ chức, nói gì và nói thế nào đều đã có lưu ý. Thành thực tôi chưa “gà” cho ai nói theo ý mình nhưng tôi đã được nghe người đến góp ý hỏi ý mình thế nào trước vấn đề ấy. Tôi nói thấy thế nào cứ nói thế nhưng chả biết khi nói, họ có nói hết không vì họ cũng là những nhà chuyên môn có quen biết, không phải lần đầu làm việc với nhau, cái tâm lý “đánh chó ngó mặt chủ” vẫn khiến họ nói có chừng mực.

Thói thường, để nghe được những ý kiến khác mình khó lắm, phải bản lĩnh lắm mới làm được dù ai cũng nói muốn nghe những ý kiến như vậy. Trí thức khi đã phản biện thực sự thường nghiên cứu kỹ lưỡng điều định nói, nói hết những suy nghĩ của mình, với ý thức trách nhiệm cao, nói ra để cho xã hội tốt lên chứ không phá hủy nó. Bản chất các ý kiến phản biện là thế nhưng nhiều người có trách nhiệm lại cứ nghĩ người ta chống mình. Khác và chống khác nhau, đúng và chống khác nhau. Người ta ủng hộ cái đúng, chống cái sai, cái có hại. Những khái quát của họ nhiều khi nghe “gai cả người” vì tôi cũng đã từng là thủ trưởng, đã tổ chức những cuộc như vậy.

Nhưng, người làm tổ chức sẽ biết lọc và sử dụng những góp ý ấy cho hiệu quả. Không phải bao giờ mọi góp ý cũng đúng cả nên cần nghe cẩn thận là vì thế. Tôi đã có lần nói phải là người tài mới sử dụng được những người tài khác, người kém không sử dụng được đâu, đừng có ảo tưởng, đừng có chủ quan. Người đi góp ý mà đọc được người nghe không có tầm, không thích nghe, họ sẽ không nói nữa vì họ biết nói cũng vô ích. Đó là một thực tế, dù cay đắng nhưng có thật.

Tôi không nghĩ mình phản biện xã hội, đóng góp về các ý kiến quan trọng của đất nước. Cái này do tự tôi kiểm soát mình thôi chứ không ai cấm cả. Tôi nghĩ ngày còn đi làm cũng nói nhiều, có người còn khen nói đúng, nói hay, mạnh dạn nhưng lại vỗ vai đừng nên nói nữa vì chả giải quyết được gì nhưng tôi nghĩ người ta không hỏi thì thôi, mình không thấy thì thôi chứ nếu họ hỏi, mình thấy thì mình cứ nói những gì mình nghĩ, còn nghe hay không là quyền của người ta. Tất nhiên động cơ xây dựng rất rõ chứ không phải nói để tạo những scandal, để hạ ai cả. Bây giờ tôi viết ý kiến mình trên mạng có hai mục đích: tôi chỉ viết trên trang của tôi, hầu như không viết gì trên trang ai cả. Như vậy, tôi tự tìm hiểu xem những gì tôi suy nghĩ có gần với quan tâm của người khác không, để mình không xa với những vấn đề của cuộc sống.

Thứ hai, về già tôi đâm thích viết ra những gì ấp ủ vì mình ngẫm về chúng nhiều, lại có thời gian. Tôi đã in một tập kịch, ba tiểu thuyết trong vòng mấy năm, hiện còn hai cái nữa chưa có ý định in. Viết như vậy, tôi kiểm nghiệm những quan tâm của mình có gắn quan tâm của người khác không, cách viết của mình có được người ta chú ý không? Chỉ có thế thôi. Còn những bài viết của tôi có liên quan đến chính sách xã hội hay vấn đề gì đấy chỉ vì tôi là một công dân, những vấn đề của đất nước, xã hội… cũng là những vấn đề của tôi, làm sao tôi không quan tâm được?

Đồng thuận tạo sức mạnh - 2

- Ông nhận thấy điều gì trong cách mà các trí thức ở ta đang thể hiện trên mạng xã hội? Ông có đồng quan điểm rằng nếu thể hiện việc nói lấy được, chửi bậy, võ đoán và bài xích lẫn nhau của không ít người trong thời gian qua thì chỉ làm cho nội bộ dân tộc yếu đi không?

- Tôi không đọc người khác nhiều, đọc chỉ để biết chứ không chuyên tâm nên ý kiến cũng phiến diện thôi. Nhưng nhà báo đã hỏi, không thể không trả lời. Theo tôi, đó là những bộc lộ quan niệm của họ về các vấn đề xã hội mà họ quan tâm. Nhiều nhất là những quan tâm về mức độ đúng đắn của chính sách, tư cách của các nhà quản lý, những lo lắng cho tiền đồ đất nước. Ngoài ra cũng có những ý kiến ở phạm vi hẹp hơn. Rất nhiều ý kiến đáng quan tâm nghiên cứu vì tôi nhận thấy sự đúng đắn trong đó, những lo lắng về việc không đúng của những chủ trương, quyết sách.

Cứ nhìn mà xem: rất nhiều ý kiến đã cảnh báo nhưng các cơ quan chức năng đã phủ nhận vì cho là những ý kiến cảnh báo sai. Thực tế, họ đúng. Tôi nghĩ chưa bao giờ mạng xã hội lại thể hiện tâm thế xã hội đa diện như hiện nay. Nhà quản lý cần nghe nhiều, thấy nhiều, nghĩ nhiều, biết nhiều trước khi quyết thì mạng xã hội là nơi cung cấp rất nhiều thứ cần biết, cần nghe, cần ngẫm đấy chứ. Cần có sự sàng lọc nhưng đó là nơi để “đo” tâm thế xã hội, đo sự đồng thuận, đo lòng dân, đo nhiều thứ lắm. Nhưng cũng là lẽ tự nhiên, có những vị đã không nói tiếng nói của lương tri, lẽ phải, theo logic sự việc mà đẩy sự việc theo hướng khác. Có sự chia rẽ trong nhân tâm. Đây là điều nguy hiểm.

Sức mạnh của một đất nước phải là ở sự đồng thuận, sự tuân thủ luật pháp. Khi cần, có thể sửa chính sách luật pháp vì những cái đó chúng ta đặt ra để điều chỉnh hành vi của con người, xã hội. Ta làm việc này chậm và còn bảo thủ, cứ coi các cơ quan chịu trách nhiệm là đúng, ý kiến phản biện hoặc góp ý là sai. Tôi cho là rất không nên như thế. Cái gì cũng có đúng, có sai, nên lọc thật kỹ và có quyết sách đúng.

Có những người đã không nói tiếng nói của lương tri, lẽ phải, theo logic sự việc mà đẩy sự việc theo hướng khác. Có sự chia rẽ trong nhân tâm. Đây là điều nguy hiểm. Sức mạnh của một đất nước phải là ở sự đồng thuận, sự tuân thủ luật pháp.

PGS.TS Phạm Quang Long


- Vâng, như vậy ông đồng tình rằng trước khi nói những vấn đề to tát, thì mỗi người phải làm đúng trách nhiệm công dân của mình thế nào để góp phần cho xã hội ngày càng lành mạnh hơn?

- Đúng như thế. Vì một công dân tử tế không ai nghĩ đến việc làm hại đất nước mình, trong đó có mình. Một đất nước tử tế, bình yên bất đầu từ những công dân tử tế, thượng tôn pháp luật nhưng pháp luật lại phải được xây dựng từ cái gốc vì dân.

- Có nghĩa là mọi việc đều phải điều chỉnh từ 2 phía, những tiếng nói phản biện đóng góp ý kiến phải trên tinh thần xây dựng, còn bên tiếp thu phải lắng nghe chân tình. Thưa ông, làm thế nào để mạng xã hội trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc mở rộng dân chủ và xây dựng một xã hội văn minh hơn?

- Câu này cực khó nói vì chưa bao giờ tôi nghĩ tới điều này. Nó không phải là việc của tôi. Nhưng tôi nghĩ quản lý tốt nhất là quản lý theo luật. Một bộ luật đảm bảo đầy đủ các quy định vì lợi ích quốc gia, quyền công dân là bộ luật tốt nhất. Và mọi việc cứ theo các chế định luật pháp mà làm. Còn điều này ngoài luật nhưng các nhà quản lý nên lưu ý: đừng nghĩ phải quản tất cả mà cần quản thế nào để mỗi người sử dụng mạng nhận thức được họ tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích quốc gia và của chính họ. Đừng như ta đã sai lầm nhiều lần, sửa mãi vẫn hỏng là quản cái thứ cần buông và lại buông cái thứ cần quản.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng thuận tạo sức mạnh