Đồng vốn đã tìm đến hàng triệu hộ nghèo

Giang Hương 10/07/2021 10:30

5 năm qua, đã có hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững…

Nguồn vốn chính sách cũng đã góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Bên cạnh đó, cũng đã có hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách cũng đã được xây dựng từ nguồn vốn này.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến được 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Có thể kể ra câu chuyện của gia đình chị Hồ Thị Danh (người K’ Dong) ở thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Năm 2010 - 2011, với số vốn ban đầu 25 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Danh dùng để trồng keo. Sau 4 năm keo cho thu hoạch, chị đã trả được nợ ngân hàng và còn cả tiền làm vốn nuôi lợn. Dần dần đàn lợn lên tới 50 con và đến năm 2018 gia đình chị đã thoát nghèo.

Hay như gia đình anh Nguyễn Hữu Lâm ở ấp An Thành, xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân (Vĩnh Long). Trước đây, gia đình anh rất khó khăn. Không có đất sản xuất, nguồn thu nhập chính của anh từ việc cuốc khoai. Ngôi nhà mái lá với 4 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học luôn sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau luôn là nỗi day dứt đối với người đàn ông trụ cột gia đình. Năm 2014, anh Lâm được xét cho vay 45 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bình Tân với lãi suất ưu đãi. Nhờ số tiền này, anh đã xây được căn nhà tường cấp 4 và chăn nuôi bò nên cuộc sống tương đối ổn định, cái nghèo, cái khó không còn quẩn chân gia đình anh nữa, bọn trẻ con cũng được đến trường, yên tâm học cái chữ.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 39,3 triệu đồng, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.

Có thể thấy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải quyết được những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS và giúp họ dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn học tập cách làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như năng lực quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng vốn đã tìm đến hàng triệu hộ nghèo