Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV/2023 do sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi.
Tín hiệu khả quan
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 9, huy động vốn đã khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, với tổng vốn huy động đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái huy động đạt mức tăng trưởng 7,68%.
Về tín dụng, hiện tỷ lệ tăng trưởng có tăng dù mức tăng so với năm ngoái còn thấp hơn khá nhiều. Tính đến ngày 20/9, tín dụng tăng 5,91% so với cuối năm 2022 thì đến ngày 30/9 đã vào khoảng 6,1-6,2%. Tổng dư nợ là 12,630 triệu tỷ đồng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhìn nhận dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm, song điểm tích cực là tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước.
Thời gian qua, nhiều động thái từ phía nhà quản lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã kích tín dụng bằng cách giảm lãi suất cho vay, chủ động đi tìm khách hàng vay vốn.
Theo bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty thương mại Thái Hưng, mặt bằng lãi suất hiện tại với các DN là khá ổn. Trước đây, DN thường mua hợp đồng thư tín dụng L/C trả chậm để lãi suất rẻ nhưng hiện nay, nhiều DN lựa chọn hình thức L/C trả ngay vì lãi suất thấp.
Song nhiều DN đang chịu sức ép từ thị trường và đơn hàng, đa phần lại là DN nhỏ và vừa nên chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Vì thế, bà Vinh kiến nghị cần tháo gỡ khoảng cách giữa ngân hàng và DN, bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn giữa các loại hình DN.
Đại diện cho các DN nhỏ và vừa, ông Bùi Sỹ Dân - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên đề xuất, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện tín dụng, không bắt buộc mua bảo hiểm khoản vay, gia hạn khoản vay, cho DN đáo hạn, xem xét linh động trong việc chuyển nhóm nợ...
Ngân hàng kỳ vọng gì?
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê NHNN, nhu cầu vay vốn quý III/2023 chưa có nhiều cải thiện. Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý III/2023 là “cải thiện” đạt mức thấp hơn so với quý II và thấp hơn mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV do kỳ vọng tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Thanh khoản vẫn được dự báo dồi dào trong quý IV/2023 và cả năm nay. Do đó, tổ chức tín dụng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26-0,35%. Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV.
Về vấn đề hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng tốt hơn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ thì vấn đề mở rộng tín dụng đã được đặt ra từ đầu năm, bởi nếu không đẩy mạnh tăng nguồn lực hỗ trợ DN, DN khó khăn, đóng cửa giải thể thì không có sức mạnh khôi phục nền kinh tế. Do đó, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm.
Cụ thể như tạo thanh khoản và dư địa cho ngân hàng. “Không có chuyện thiếu room (hạn mức tăng trưởng) tín dụng, ngân hàng thoải mái trong nguồn lực cho vay. NHNN cũng tạo nguồn lực giá rẻ cho ngân hàng thương mại hạ lãi suất. 1 tháng gần đây là các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất” - ông Tú nhấn mạnh.
Cùng với đó là ban hành các văn bản pháp luật, thêm công cụ cho ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ DN; thực hiện tái cơ cấu khoản nợ, lãi đến hạn nếu gặp khó khăn; ban hành các gói tín dụng ưu đãi như cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ DN thủy sản, lâm sản...; tăng cường các chương trình kết nối ngân hàng – DN; tăng cường tín dụng chính sách, tín dụng tiêu dùng, chống tín dụng đen…
“Giải pháp gián tiếp là hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu DN, ngân hàng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn và tham gia với tư cách là nhà đầu tư vào trái phiếu của DN. Hiện đang duy trì số mua trái phiếu DN trên 231 nghìn tỷ đồng” - ông Tú cho biết.
Tuy nhiên, cùng với ngành ngân hàng, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc thúc đẩy tín dụng cần nhìn nhận từ 2 phía, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN vươn lên. Trong 3 tháng cuối năm theo thông lệ tín dụng tăng nhanh hơn.