Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỷ USD; tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn giải ngân cũng tăng 0,8% so cùng kỳ. Dấu hiệu của phục hồi trong việc thu hút vốn ngoại đã hiện hữu.
Dấu hiệu của hồi phục
Thời gian gần đây, nhiều địa phương liên tiếp báo tin thu hút được dòng vốn FDI. Chẳng hạn tại Hải Phòng, UBND thành phố tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án của Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng (giai đoạn từ năm 2023 - 2025) với số vốn tăng thêm 1 tỷ USD, qua đó nâng tổng vốn đầu tư của cả dự án lên 2 tỷ USD.
Quảng Ninh là địa phương đón cùng lúc 2 dự án mới của Tập đoàn Foxconn, với tổng vốn hơn 246 triệu USD trong đó có một nhà máy có vốn hơn 200 triệu USD để sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện phục vụ các nhà máy của Foxconn tại Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất xe điện.
Không chỉ các tỉnh phía Bắc báo thành tích hút vốn ngoại, khu vực miền Nam, các địa phương cũng liên tiếp tổ chức xúc tiến đầu tư để giới thiệu các thế mạnh, mời gọi đầu tư. Tại Khánh Hòa, thông qua các buổi làm việc với các đoàn của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (Nhật Bản, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ…), tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển các ngành lĩnh vực trọng tâm thu hút đầu tư, tổ chức đưa đoàn tham quan khảo sát thực tế các địa điểm kêu gọi đầu tư. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài 7 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, điểm tích cực là vốn thực hiện ước đạt 11,58 tỷ USD trong 7 tháng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu
Ngoài câu chuyện thu hút vốn ngoại có dấu hiệu phục hồi thì Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất áp Thuế tối thiểu toàn cầu.
Cụ thể thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 nhằm chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất áp dụng là 15% với các DN đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề. Việc này nhằm ngăn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, nếu áp thuế mức 15% mà không có ưu đãi, giải pháp hỗ trợ sẽ xung đột với các quy định hiện nay của Việt Nam trong thu hút nước ngoài. Mặt khác, khả năng mở rộng dự án hiệu hữu hay thu hút dòng vốn ngoại của Việt Nam sẽ bị tác động, niềm tin nhà đầu tư giảm sút. Vì thế, Bộ này đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư với các nhóm DN FDI chất lượng cao, quy mô lớn. Các khoản hỗ trợ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của DN hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) khuyến nghị các bộ, ngành Việt Nam và Hàn Quốc phải cùng hợp tác để tháo gỡ và các DN Việt Nam cần đổi mới sản phẩm để xuất khẩu thuận lợi hơn. Không những thế, tới đây, Việt Nam sẽ triển khai áp dụng theo các cơ chế của Thuế tối thiểu toàn cầu. Dù đây không phải vấn đề riêng của Việt Nam, nhưng nếu Việt Nam không tham gia tích cực, không có chiến lược chuẩn bị phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Phan Vũ Hoàng cho rằng chính sách ưu đãi miễn giảm thuế hiện tại sẽ giảm tác dụng khi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện tại Việt Nam.Vị chuyên gia này cũng gợi mở một số ưu đãi như chi phí về nghiên cứu phát triển, nhân lực chất lượng cao… Cụ thể, cần cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm năng lực cạnh tranh của môi trường thu hút đầu tư.
Theo đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương... Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (24,7%) và góp vốn mua cổ phần (69%).