Đợt nắng nóng kinh hoàng thiêu đốt Ấn Độ và Pakistan trong những tháng gần đây phần lớn khả năng là từ biến đổi khí hậu, đồng thời đây chính là một 'thước phim tiên đoán' về tương lai của Trái đất.
‘Những điều sẽ tới’
Đợt nắng nóng kinh hoàng thiêu đốt Ấn Độ và Pakistan trong những tháng gần đây nhiều khả năng là hệ quả từ biến đổi khí hậu, đồng thời đây chính là một cái nhìn ‘tiên đoán trước’ về tương lai của hành tinh, theo công bố từ một nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế hôm 23/5.
Nhóm Phân tích Thời tiết Thế giới đã phân tích dữ liệu thời tiết lịch sử và chỉ ra rằng, các đợt nắng nóng sớm và kéo dài đang ảnh hưởng đến một khu vực địa lý rộng lớn. Đây là những sự kiện hiếm khi xảy ra trong một thế kỷ. Nhưng mức độ nóng lên toàn cầu như hiện nay, hệ quả từ biến đổi khí hậu do con người gây ra, đã khiến những đợt nắng nóng đó có khả năng xảy ra cao hơn gấp 30 lần.
Arpita Mondal, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở Mumbai cho biết, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thì những đợt nắng nóng như thế này có thể xảy ra hai lần trong một thế kỷ và tối đa 5 năm một lần, Arpita, người là một phần của công trình nghiên cứu, nhấn mạnh.
Mondal nói: “Đây là một dấu hiệu của những điều sắp xảy ra”.
Kết quả được đưa ra khá thận trọng: Một phân tích do Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh công bố vào tuần trước cho biết, đợt nắng nóng có khả năng xảy ra cao hơn gấp 100 lần do biến đổi khí hậu gây ra, với mức nhiệt độ thiêu đốt như vậy có khả năng bùng phát lại sau mỗi ba năm.
Phân tích từ nhóm nghiên cứu Phân bổ Thời tiết Thế giới lại đưa ra một kết luận khác bởi nhóm đang cố gắng tính toán đối với nhiều khía cạnh cụ thể của đợt nắng nóng, chẳng hạn như độ dài và khu vực bị ảnh hưởng, có nhiều khả năng hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu hay không.
Friederike Otto, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, người cũng tham gia nghiên cứu, cho biết: “Kết quả thực sự có thể nằm ở đâu đó giữa kết quả của chúng tôi và Văn phòng Met (Anh) về mức độ biến đổi khí hậu đã làm gia tăng cường độ cùa sự kiện này”.
Tuy nhiên, sự thật chắc chắn nhìn thấy chính là sự tàn phá của đợt nắng nóng đã gây ra. Các thành phố của Ấn Độ và Pakistan liên tục ghi nhận mức nhiệt độ trên 45 độ C trong những tuần qua. Ở Pakistan, nhiệt độ thiêu đốt trên mức 50 độ C đã được ghi nhận ở một số nơi như Jacobabad và Dadu. Các khu vực tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ chứng kiến nhiệt độ lên tới 49 độ C trong tháng này.
Ấn Độ cũng đã phải trải qua tháng 3 nắng nóng nhất trong lịch sử kể từ khi kỷ lục bắt đầu vào năm 1901 và tháng 4 là thời điểm nóng nhất được ghi nhận ở Pakistan và nhiều vùng của Ấn Độ.
Các tác động đã diễn ra theo tầng và lan rộng: Một vụ vỡ sông băng ở Pakistan , gây lũ lụt ở hạ lưu; mùa nóng sớm thiêu đốt cây lúa mì ở Ấn Độ, buộc quốc gia này phải cấm xuất khẩu sang các quốc gia đang quay cuồng vì thiếu lương thực do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Chính điều này cũng dẫn đến nhu cầu điện ở Ấn Độ tăng vọt, làm cạn kiệt nguồn dự trữ than, dẫn đến tình trạng thiếu điện trầm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.
Sau đó là sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ít nhất 90 người đã chết ở cả hai quốc gia, nhưng đây có lẽ chưa phải là một con số thực tế. Nam Á chính là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức căng thẳng nhiệt, theo phân tích từ một tập dữ liệu được công bố từ trường khí hậu của Đại học Columbia. Riêng Ấn Độ là quốc gia có hơn một phần ba dân số thế giới sống ở những khu vực hiện có mức nhiệt độ tăng cao.
‘Thức tỉnh trước cái nóng’
Các chuyên gia đồng ý rằng, đợt nắng nóng đã nhấn mạnh nhu cầu của thế giới không chỉ chống lại biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà còn phải thích ứng với các hệ quả tiêu cực càng nhanh càng tốt. Trẻ em và người già là những đối tượng có nguy cơ bị sốc nhiệt cao nhất, nhưng tác động của nắng nóng cũng khắc nghiệt hơn đáng kể đối với những người nghèo, những người không được tiếp cận với nguồn nước và thường sống trong những khu ổ chuột đông đúc, thậm chí còn nóng hơn rất nhiều so với những khu dân cư giàu có hơn.
Rahman Ali, 42 tuổi, một người buôn bán giẻ lau ở một vùng ngoại ô phía đông của thủ đô New Delhi, Ấn Độ thường kiếm được ít hơn 3 USD mỗi ngày bằng cách thu gom rác thải từ nhà của người dân và phân loại để vớt bất cứ thứ gì có thể bán được. Đó là một công việc cực nhọc và ngôi nhà lợp bằng thiếc của anh trong khu ổ chuột đông đúc luôn bị hun nóng dưới cái nắng khắc nghiệt.
“Chúng tôi còn có thể làm gì khác? Nếu như tôi không làm việc… chúng tôi sẽ không có bất cứ thứ gì để ăn”, Ali, ông bố hai con lo lắng.
Một số thành phố tại Ấn Độ đã cố gắng tìm giải pháp. Thành phố phía tây Ahmedabad là thành phố đầu tiên ở Nam Á xây dựng kế hoạch chống lại đợt nắng nóng cho dân số hơn 8,4 triệu người của mình vào năm 2013. Kế hoạch này bao gồm một hệ thống cảnh báo sớm cho các nhân viên y tế và người dân để chuẩn bị cho các đợt nắng nóng, trao quyền cho các cơ quan quản lý để giữ cho các công viên mở cửa để mọi người có thể tránh nắng, đồng thời cung cấp thông tin cho các trường học để họ có thể điều chỉnh lịch học cho phù hợp với học sinh.
Thành phố cũng đang cố gắng ‘làm mát’ các mái nhà bằng cách thử nghiệm với nhiều loại vật liệu hấp thụ nhiệt khác nhau. Tiến sĩ Dileep Mavalankar, người đứng đầu Viện Y tế Công cộng Ấn Độ ở thành phố Gandhinagar, miền Tây Ấn Độ, cho biết, mục đích của họ là xây dựng những mái nhà có thể phản chiếu ánh nắng mặt trời và làm giảm nhiệt độ trong nhà bằng cách sử dụng sơn trắng, tận dụng sự phản chiếu hoặc các vật liệu rẻ tiền hơn như cỏ khô.
Hầu hết các thành phố của Ấn Độ đều chuẩn bị ít hơn và chính phủ liên bang của Ấn Độ hiện đang làm việc với 130 thành phố trên khắp 23 bang dễ xảy ra sóng nhiệt để họ phát triển các kế hoạch tương tự. Đầu tháng này, chính phủ liên bang cũng yêu cầu các bang khuyến khích nhân viên y tế quản lý các bệnh liên quan đến nhiệt và đảm bảo có sẵn túi nước đá, muối bù nước và các thiết bị làm mát trong bệnh viện.
Nhưng Mavalankar, người không tham gia nghiên cứu, chỉ ra rằng hầu hết các thành phố của Ấn Độ đều thiếu cảnh báo của chính phủ trên báo chí hoặc TV và nói rằng chính quyền địa phương vẫn chưa ‘thức tỉnh trước cái nóng’.