Kinh tế

Đột phá kích cầu tiêu dùng

THANH GIANG 27/08/2024 07:20

Sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, mặc dù các nhà phân phối liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Bài toán hiện nay đối với doanh nghiệp, nhà quản lý là phải thay đổi biện pháp kích cầu để tăng tính hiệu quả.

anh-1(1).jpg
Ngoài chất lượng hàng hóa, rất nhiều người tiêu dùng quan tâm đến giá cả, hoặc chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Sức mua chậm

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại chiến lược thương mại trong nước.

Vụ Thị trường trong nước cho rằng, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và dịch vụ từ năm 2021 đến nay liên tục suy giảm.

Đề cập đến sức mua trên thị trường bán lẻ, đại diện các siêu thị cũng thừa nhận, sức mua 6 tháng đầu năm 2024 khá chậm và chưa có sức bật.

Ông Hà Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Satra cho biết, sức mua của thị trường không cao. Người tiêu dùng chủ yếu tập trung mua một số mặt hàng thiết yếu. Riêng nhóm hàng thời trang, hóa mỹ phẩm, gia dụng sức mua giảm mạnh. Nhằm tăng sức mua trong thời gian tới, Satra thực hiện 14 chương trình khuyến mãi tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống này còn áp dụng thêm chương trình voucher khuyến mãi cho những mặt hàng có sức mua yếu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Đối ngoại Aeon Việt Nam cũng chia sẻ, sức mua giảm mạnh vào năm 2023 do ảnh hưởng logistics và giá nguyên vật liệu. Aeon chuyển hướng kinh doanh bằng cách hàng ngày có chương trình giá tốt thông qua việc liên kết với nhà sản xuất. Song song đó, xây dựng nhãn hàng riêng để người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm giá tốt hơn.

Đại diện các nhà bán lẻ khẳng định, bước sang tháng 7, tình hình mua sắm có nhích hơn. Nhiều nhà phân phối hy vọng, trong những tháng cuối năm 2024, sức mua thị trường sẽ ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Mặc dù đánh giá cao hiệu quả của các chương trình khuyến mãi, giảm giá song hầu hết các nhà phân phối cho rằng, có những chương trình khuyến mãi chưa thật sự hấp dẫn. “Chương trình khuyến mãi tập trung do Sở Công thương TPHCM tổ chức kéo dài quá nên loãng, thiếu tập trung, không có điểm nhấn. Thiết nghĩ, cần rút ngắn chương trình khuyến mãi, thay vì kéo dài như hiện nay” - ông Hà Ngọc Sơn nhận định. Chỉ ra khuyết điểm của chương trình giảm giá, ông Sơn cũng đưa ra giải pháp nâng hiệu quả của hoạt động khuyến mãi. Theo đó, cần áp dụng đồng loạt từ nhiều doanh nghiệp với nhiều nhóm hàng tạo sự đột phá, hấp dẫn cho chương trình. Bên cạnh kết hợp đẩy mạnh truyền thông trên các kênh thông tin để lan tỏa đến người tiêu dùng tốt nhất.

Phản hồi lại ý kiến nói trên, ông Nguyễn Minh Hùng – Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM thông tin, chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) hiện nay kéo dài 3 tháng. Trong 3 tháng khuyến mãi sẽ có những đợt cao điểm kích cầu được người tiêu dùng hưởn ứng tốt. Mới đây nhất, Sở Công thương phát động chuỗi bán hàng lưu động phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động kéo dài 1 tháng. Dự kiến, cuối tháng 8 sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu. “Ngành công thương và doanh nghiệp (DN) tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt” - ông Hùng nhấn mạnh.

Áp dụng nhiều biện pháp để kích cầu

Một cuộc khảo sát được Kantar công bố gần đây cho thấy, có đến 49% người tiêu dùng tham khảo giá của các cửa hàng nhằm tìm kiếm chương trình ưu đãi trước khi quyết định mua hàng.

Theo NielsenIQ Việt Nam, 68% người tiêu dùng Việt đang kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 – 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua. Chứng tỏ, người tiêu dùng rất quan tâm đến tình hình giá cả hàng hóa. Một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng, khuyến mãi đang trở thành động lực kích cầu tiêu dùng, đồng thời là lý do người tiêu dùng chờ đợi khi muốn sở hữu món hàng hóa mới.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, Bộ Công thương phối hợp với các địa phương, đơn vị, DN phân phối cùng thúc đẩy thị trường; kết nối cung cầu; hỗ trợ DN và người tiêu dùng gặp gỡ, tiếp cận mua bán hàng hóa... Thế nhưng, sức mua trên thị trường vẫn đáng quan ngại. Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng vẫn chưa tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu, thu nhập của người tiêu dùng còn thấp khi “sức khỏe” của nhiều DN chưa ổn định.

Liên quan đến sức mua trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nhận định: “Tiêu dùng vẫn là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Mặc dù thành phố đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu mua sắm, tuy nhiên sức mua vẫn không cải thiện nhiều. Có lẽ ngoài việc khuyến mãi, giảm giá hàng hóa cần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân”.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, kích cầu đầu tư cho DN sẽ có tác động mạnh hơn. Đơn cử, Nhà nước tiếp tục chính sách giảm thuế thu nhập, giảm một số loại phí gián tiếp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, việc làm được tạo ra. Từ đó người dân mới có nhu cầu mua sắm nhiều. Theo ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tăng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng sẽ tăng doanh thu và thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ. Từ đó, Chính phủ cần có những giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản, lãi suất ngân hàng, giá vàng, giá ngoại tệ, đặc biệt tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân như vậy mới tạo được niền tin người tiêu dùng tốt hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thông tin thêm, Chính phủ đã tăng lương cơ bản, đã tăng lương hưu, đã giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ ngày 1/7. Đây chính là những điều kiện để cải thiện thu nhập cho người lao động và giảm giá thành sản phẩm, tăng kích cầu tiêu dùng.

Để tăng hiệu quả kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương TPHCM cho biết, thành phố đang áp dụng nhiều chương trình tăng hiệu quả kích cầu và kìm giá sản phẩm. Điển hình, chương trình bình ổn giá thị trường, chương trình khuyến mãi tập trung,... Đồng thời theo dõi sát sao tình hình cung cầu giá cả thị trường. Đặc biệt, ở các chợ truyền thống nếu cáo dấu hiệu tăng giá đột biến sẽ có kế hoạch điều phối kịp thời.

anh-2-7.jpg

Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): Nếu tính chung cả giai đoạn 2021 – 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%. Mức tăng này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đặt ra tại chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 là 13 – 13,5%. Điều này vô hình trung ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng khu vực dịch vụ và GDP chung cả nước. Thị trường trong nước là 100 triệu dân – sức tiêu thụ rất lớn, dư địa rất lớn. Nếu không có những giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ không tận dụng được cơ hội phát triển.

anh-3.jpg

Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam: Kinh tế và giá cả hàng hóa là hai vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay. Ở quý 1/2024, 59% người tiêu dùng thấy lạc quan hơn về tình hình kinh tế. Ngoài ra, 25% người tiêu dùng quan tâm đến công ăn việc làm của họ, quý 4/2029 tỷ lệ này ở mức 28%. Đa số người tiêu dùng cho rằng, công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao, tài chính tốt hơn thì chi tiêu thoải mái hơn. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng đi mua sắm trong tâm trạng thắt chặt chi tiêu, đồng thời xem xét kỹ tài chính cá nhân. 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng bởi mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá kích cầu tiêu dùng