Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất thu hồi khoảng 2.000 ha đất liền kề của dự án đường vành đai 3 để làm lại quy hoạch, sau đó đấu giá nhằm tạo nguồn thu cho mục đích tái đầu tư vào các dự án hạ tầng, phát triển kinh tế.
Tạo cơ chế, chính sách để đền bù cho dân khi triển khai dự án
Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP HCM, điều đó nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn thành phố. Ông Trực cũng đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường.
Tuy nhiên, ông Trực cũng cho biết, Sở TNMT đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với các tuyến đường giao thông, nhưng vốn để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với các khu đất liền kề, lân cận tuyến đường giao thông rất khó khăn vì không thể chi từ nguồn vốn ngân sách.
Lấy dẫn chứng từ dự án đường vành đai 3, hiện có khoảng 2.000 ha đất liền kề, chủ yếu là đất nông nghiệp, mật độ dân cư thấp, ông Trực cho rằng nếu thu hồi được để đấu giá thì nguồn thu về dự kiến khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Đây là giải pháp khả thi để có tiền bồi thường khi di dời dân phục vụ dự án. Việc triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa mức giá bồi thường dự kiến với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở. Điều quan trọng là tỷ lệ hoán đổi như thế nào để người dân đồng thuận, không bị thiệt thòi.
“Nếu làm theo phương án này, từ quỹ đất thu hồi, TP HCM có thể làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho mục tiêu tái đầu tư và phát triển” - ông Trực nói.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng việc quy hoạch sử dụng đất, tạo cơ chế, chính sách để đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh công trình. Và với đề xuất trên của Sở TNMT, thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất đưa vào nghị quyết làm cơ sở triển khai sau này.
Chốt sớm phương án tài chính cho dự án
Nhắc lại, vào trung tuần tháng 6 vừa qua, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP HCM. Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khoảng 76,34km đường vành đai 3, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82ha, đất dân cư khoảng 64,1ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2ha và đất khác khoảng 147,2ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 5, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã thông tin sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và hình thức đầu tư dự án đường vành đai 3. Hoạt động này được tiến hành sau khi Kiểm toán Nhà nước yêu cầu TP HCM rà soát lại chi phí giải phóng mặt bằng, đấu giá đất ven vành đai và phương án tài chính cho dự án.
Theo đó, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án, mức tối thiểu theo dự kiến là 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Còn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính toán trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm năm 2022. Giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.
“Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá thì giá trị các khu đất này sẽ tăng lên” - theo Ban Quản lý dự án.
Trong bước tiếp theo, TP HCM sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định; đảm bảo tính đúng, tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Về phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn về nguồn vốn ngân sách địa phương, BQLDA cho biết, HĐND các địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn của các địa phương, tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách (trong đó có dự án đường vành đai 3).
Vẫn theo Ban Quản lý dự án, dự án vành đai 3 TP HCM là đường vành đai đô thị, đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các trung tâm hậu cần (logistics), hệ thống cảng biển, cảng cạn (ICD)…
Nếu dự án sớm được triển khai và đưa vào sử dụng sẽ đem lại lợi ích rất lớn, đặc biệt sẽ mang tới sự phát triển cho những khu vực ven vành đai 3.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022 mặt bằng đường vành đai 3 TP HCM sẽ được bàn giao tối thiểu 70%. Dự án sẽ được khởi công vào tháng 6/2023, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026. Trong khi đó, 3 tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP HCM đã ký kết kế hoạch xây dựng đường vành đai 3 TP HCM và công tác chuẩn bị dự án đường vành đai 4 TP HCM. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, các địa phương liên quan đang đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án vào tháng 6/2023 thay vì đến cuối năm 2023 như dự tính trước đó. Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội về đầu tư dự án vành đai 3 TP HCM; tháng 10/2022 bắt đầu bàn giao mặt bằng.
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết công tác giải phóng mặt bằng phải đúng kế hoạch để hoàn thành dự án theo tính toán. Trong quá trình chuẩn bị mặt bằng, cần triển khai song song các công việc khác, để khi có 70% mặt bằng là có thể khởi công dự án và triển khai đồng bộ.