Chiều 7/11, một số khu vực quận, huyện vùng trũng tại TP HCM đã ngập úng do ảnh hưởng của đợt triều cường dâng cao đầu tháng 11/2022. Riêng mực nước tại trạm Nhà Bè đã đạt đỉnh triều ở mức 1,67 m, gây ngập cục bộ các tuyến đường giao thông.
Ghi nhận tại một số tuyến giao cắt với đường Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức), đường Bình Quới (quận Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7 và huyện Nhà Bè) đã xuất hiện các điểm ngập cục bộ do ảnh hưởng của triều cường.
Cũng do ảnh hưởng của ngập úng, một số tuyền đường như Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (đoạn từ cầu Tân Thuận đến đường Nguyễn Thị Xiểu, quận 7) đã bị xuống cấp trầm trong, mặt đường lồi lõm "ổ gà, ổ voi".
Theo người dân tại đây, hai tuyến đường này là "điểm đen" ngập úng của TP HCM, trong đó vào thời điểm những đợt triều cường dâng dâng cao kết hợp mưa lớn khiến tình hình giao thông thường xuyên kẹt xe, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Từ chiều nay, mực nước tại trạm Nhà Bè cũng có đỉnh triều ở mức 1,67 m, gây ngập cục bộ các tuyến đường giao thông. Triều cường sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn với dự báo mực nước tiếp tục dâng cao vào các ngày 8/11 là 1,69 m; ngày 9/11 là 1,7 m; ngày 10/11 là 1,68 m....
Để chủ động ứng phó với đợt triều cường, đại diện Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã yêu cầu TP Thủ Đức và các quận huyện chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để sẫn sàng xử lý ngập úng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Một số khu vực vùng trũng cũng được cảnh báo khả năng xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong đó, các khu vực trũng của quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn.