Dự án BT và 'tảng băng chìm' - Bài 2: Góc khuất những dự án BT

Minh Phương (Còn nữa) 28/09/2017 08:35

Hàng loạt sai phạm trong các dự án BT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây đã vạch rõ bản chất của các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” mà nhiều địa phương đang thực thi. Lúc này, người ta mới “té ngửa” ra rằng, các công trình hàng ngàn tỷ kia chính là những bản hợp đồng béo bở được ký kết giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, mà ở đó người dân không hề hay biết.


Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (Hà Nội). (Ảnh: H. Lực).

Vạch trần hàng loạt sai phạm

Theo một kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh kiểm tra các dự án BT trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng loạt các sai phạm mới được bộc lộ.

Cụ thể, liên quan đến việc thanh, kiểm tra 6 dự án BT, BOT tại TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua thanh tra, việc triển khai thực hiện một số dự án như dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ, dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A, đoạn An Sương – An Lạc, dự án Xa lộ Hà Nội, dự án cầu Bình Triệu II, dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu đã phát hiện nhiều sai phạm. Trong đó, chủ yếu những sai phạm liên quan đến chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định pháp luật về chỉ định nhà đầu tư.

Điều này cũng xảy ra tương tự đối với các dự án BT ở Hà Nội. Cụ thể, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc không tuân thủ quy định dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng. Tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

“UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định” – Kết luận Thanh tra nêu rõ và khẳng định, nhiều nhà đầu tư được lựa chọn “có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo như Công ty CP Tasco đối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An”. Hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, vốn chủ sở hữu không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết như Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…

Như vậy, có thể thấy đối với các dự án BT mà nói, hầu như đụng đâu cũng thấy sai phạm. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng. Còn kể từ tháng 6/2017 đến nay, khi Hà Nội kêu gọi, đã có 76 dự án PPP đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư 196.729 tỉ đồng. Phần lớn trong số này là các dự án BT. Tại các địa phương khác như Hải Phòng, Khánh Hòa, Thanh Hóa… nhiều dự án trung tâm hành chính được địa phương triển khai với số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, trung tâm hành chính Khánh Hòa (4.300 tỉ đồng), trung tâm hành chính Hải Dương (2.060 tỉ đồng), trung tâm hành chính Nghệ An (2.200 tỉ đồng).

“Miếng bánh” siêu lợi nhuận

Về nguyên tắc, các dự án BT cũng tổ chức đấu thầu, song trên thực tế, hầu hết dự án nào cũng đều có DN được chỉ định sẵn với tổng mức đầu tư dự án do chính DN đề xuất.

Từ đây, phát sinh ra nhiều tiêu cực trong các hợp đồng được ký kết giữa cơ quan chức năng địa phương và nhà đầu tư. Theo nhận định của giới chuyên gia, phần lớn các dự án BT do nhà đầu tư đề xuất đều xuất phát từ việc họ nhắm được một khu đất nào “ngon” sau đó cùng với lãnh đạo địa phương “phác họa” một dự án công để dùng công trình này làm “vật trao đổi”. Khi đó, việc định giá quyền sử dụng đất, cũng như định giá chi phí công trình dễ dàng được cả hai bên thỏa hiệp, trở thành cơ hội kiếm siêu lợi nhuận cho cả chủ đầu tư và lãnh đạo địa phương. Vô hình trung, các kẽ hở được tạo nên từ đây và là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách, là mảnh đất màu mỡ, lợi nhuận cao cho các nhóm lợi ích. Chính bởi vậy, việc nói BT được coi như “mảnh đất của tiêu cực” cũng không có gì là quá đáng.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để hạn chế những tiêu cực trong các dự án BT, khâu định giá đất rất quan trọng. Bởi vậy, cần phải minh bạch ngay từ khâu định giá đất. Theo vị này, nếu định giá đúng từ đầu thì dù có chỉ định thầu cũng không xảy ra tiêu cực.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, BT là một dạng hợp đồng của hình thức đầu tư đối tác công – tư, các nước cũng sử dụng nhiều hình thức này nhưng rất công khai, minh bạch, và nếu thực hiện đúng, đây cũng là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, nhất là trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp, quỹ đất của địa phương còn dư, có thể khai thác. Tuy nhiên, hình thức này lại dễ dàng bị bóp méo, biến tướng khi mà chính quyền địa phương không có tâm, còn chủ đầu tư thì quá tham lam trước một “miếng bánh” siêu lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án BT và 'tảng băng chìm' - Bài 2: Góc khuất những dự án BT