Các dự án di dân ra khỏi vùng thiên tai thuộc dự án cấp thiết, cần triển khai ngay để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. Tuy nhiên, việc đợi vốn khiến các dự án “treo” cả chục năm. Cùng với đó, các hộ dân sống trong vùng nguy cơ mất an toàn…
Sống bất an ở vùng sạt lở
Thôn Trại Kênh (xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng) có địa hình khá đặc biệt như hình “bầu nhện”, được dòng sông Vận Dương (sông Cấm) bao bọc 3 bề. Do lịch sử để lại, tuyến đê sông Vận Dương chống lũ đã được đắp ngang đoạn thắt “bầu nhện”, phía hữu bờ sông khiến thôn Trại Kênh tách biệt hẳn với những làng xóm phía trong đê.
Cả thôn cùng diện tích canh tác trở thành bãi bồi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nước thủy triều, sạt lở bờ sông xâm thực làng xóm, ruộng vườn.
Không đê bao bảo vệ, những cánh đồng, vườn, nhà dân nằm sát mép sông thường xuyên bị sạt lở, xâm thực. Từ năm 2009, Hải Phòng có dự án di dời 32 hộ dân có nhà, vườn nằm sát mép sông vào khu vực phía sâu trong đê để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục làm đường chống tràn, gia cố bãi bồi ven sông với tổng mức đầu tư hơn 39,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương phòng, chống thiên tai.
Năm 2011, dự án này được ngân sách Trung ương cấp 5 tỷ đồng để thực hiện. Kể từ đó đến nay, dự án chưa được bố trí thêm kinh phí.
Ông Lê Duy Bình - Trưởng thôn Trại Kênh cho biết, nguồn vốn từ Trung ương được đầu tư làm một con đường từ trong thôn ra giữa cánh đồng thì hết tiền, dừng lại cả chục năm. Con đường chạy ngang thôn, qua cánh đồng ra mép sông dài hơn 1,2km mới làm được 535m, đường trong thôn có chức năng chống tràn và 235m đường ngoài cánh đồng với chức năng đường cứu hộ được đổ bê tông, rải nhựa.
Tương tự, năm 2010, Hải Phòng phê duyệt dự án di dời 50 hộ dân sống tại khu vực bãi bồi ngoài đê tả sông Hóa (xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo) vào khu vực an toàn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 35,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Theo báo cáo từ UBND TP Hải Phòng, dự án mới được cấp 17 tỷ đồng, nguồn vốn này thực hiện làm đường vào khu tái định cư, một số hạng mục rãnh thoát nước, kè, cống khu tái định cư, dự án vẫn dang dở khiến việc di dời các hộ dân khỏi khu vực sạt lở vẫn chưa được thực hiện; tài sản, tính mạng người dân sống tại các khu vực này vẫn bị đe dọa mỗi khi mưa lũ, diễn biến thời tiết bất thường xuất hiện.
Dự án thiếu vốn
Được biết, nguyên nhân của các dự án trên bị “treo” trong nhiều năm là do nguồn vốn để thực hiện các dự án này bị chậm, đầu tư dàn trải, không tập trung. Trong hơn 10 năm qua, nguồn ngân sách Trung ương cấp cho 2 dự án nêu trên mới được 22 tỷ đồng.
Để giải quyết, xử lý vấn đề này, TP Hải Phòng tiếp tục đề xuất Trung ương xem xét bổ sung số vốn còn thiếu vào kỳ đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 bằng nguồn vốn Trung ương.
Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện thêm 3 dự án đầu tư, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại vùng sạt lở đất đồi Thiên Văn (quận Kiến An), bố trí dân cư ổn định tại vùng sạt lở sông xã Bát Trang (huyện An Lão) và ổn định dân cư vùng ngập lụt phường Hải Thành (quận Dương Kinh) với tổng mức đầu tư hơn 173,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, người dân các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi sạt lở rất lo lắng trong khi những dự án cũ còn đang dang dở do trông chờ vào nguồn vốn cấp thì những dự án mới sẽ đi đến đâu?
Trở lại với dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai thôn Trại Kênh (xã Đại Bản, huyện An Dương), ông Vũ Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Đại Bản cho biết, do dự án di dân chống sạt lở bãi bồi ven sông từ nguồn ngân sách Trung ương bị hạn chế, nên các năm 2018, 2020, địa phương được UBND TP Hải Phòng cấp vốn từ nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai địa phương làm được tổng cộng 635 m kè bê tông tại những vị trí xung yếu quanh thôn Trại Kênh. Trong đó có 175 m kè sát khu dân cư được kè kiên cố bê tông, cao bằng cốt độ nền, phía trên 400 m đường trong thôn cũng được đổ bê tông làm đường chống tràn cho khu dân cư.
Cùng với đó, 450 m được kè thấp ở khu vực sản xuất nông nghiệp đã phần nào góp phần bảo vệ an toàn cuộc sống người dân. Chỉ với 2 đoạn kè sông xung yếu khu dân cư từ nguồn ngân sách TP Hải Phòng, cả thôn Trại Kênh không bị ngập lụt, khu dân cư không bị xâm thực, việc di dân cần được cân nhắc…
Ông Lê Duy Bình - Trưởng thôn Trại Kênh cho biết thêm, cả thôn hiện còn 3.100m bờ sông tiếp giáp khu vực sản xuất nông nghiệp chưa được kè, chỉ cần thực hiện việc kè sông ngang mặt nước cũng bảo đảm dòng sông không gây sạt lở, xâm thực vào diện tích canh tác của người dân.
Theo Nghị quyết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2026, Hải Phòng dự chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình. Với nguồn tài chính tương đối dồi dào, việc đưa các chương trình chống sạt lở núi, bờ sông vào chương trình này hoàn toàn có tính khả thi trong cân đối ngân sách. Hơn nữa, việc chủ động nguồn vốn sẽ khắc phục được tình trạng vốn cấp từ Trung ương cho chương trình này.