Được giao hoàn thành Dự án khu dân cư Cầu Chẹm (Ninh Bình) với diện tích 7,5ha trong vòng 36 tháng nhưng tới nay đã 27 tháng trôi qua, Dự án vẫn chưa được triển khai. Nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc khi đất sản xuất bị thu hồi để phục vụ một công trình thương mại, vì dính dự án nên người dân không thể sản xuất, trồng trọt.
Đất ruộng bị thu hồi, dân mất nguồn sinh kế
Ngày 9/1/2020, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký Quyết định số 157/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư (KDC) Cầu Chẹm, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group (Thành Thắng Group), đóng trên địa bàn xã Gia Thanh.
Việc triển khai dự án nhằm đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt, bao gồm: Các công trình hạ tầng kỹ thuật (san nền, giao thông, cấp - thoát nước, cấp điện, điện chiếu sáng, công viên cây xanh); Các công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch với 267 lô đất nền.
KDC Cầu Chẹm được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 75.218m2, quy mô dân số Dự án 750 người. Điều kiện sử dụng đất: Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê. Thời gian sử dụng đất theo quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổng mức đầu tư Dự án là 117,44 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở thương mại là 101,49 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 15,946 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng, kể từ ngày ký kết vào thời điểm 18/2/2020.
Vậy nhưng ở thời điểm chúng tôi ghi nhận là cuối tháng 5/2022, tức đã qua 27 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, những gì đang có tại KDC Cầu Chẹm chỉ là bãi đất trống bỏ hoang xen lẫn cỏ dại mọc um tùm. Tại mặt bằng Dự án không có máy móc, thiết bị, công nhân, thậm chí xung quanh diện tích đất không được quây tôn rào chắn an toàn và bảng thông báo dự án.
Đặc biệt, tại đây không có dấu hiệu thể hiện cho sự chuẩn bị xây dựng Dự án có quy mô hơn 117 tỷ đồng.
Đáng chú ý là, thời điểm chưa có Dự án, hơn 7,5ha đất ruộng vẫn được người dân địa phương tổ chức canh tác, sản xuất, đem lại nguồn thu nhập khá cho hàng chục hộ dân. Nhưng từ ngày có Dự án, người dân không được làm ruộng trên khu đất này nữa, từ đó khu đất bị bỏ hoang.
Theo tìm hiểu, hiện có 8 hộ dân chưa nhận tiền đền bù GPMB Dự án trên do đơn giá đền bù quá thấp, không sát với giá thị trường. Hộ ông Nguyễn Đức Vân (trú thôn Thượng Hòa, xã Gia Thanh) có gần 5 sào đất ruộng nằm trong vùng thực hiện Dự án. Đã hơn 2 năm qua, hộ ông không được cấy lúa, trồng trọt trên đất ruộng nhà mình, nguyên nhân là do đang nằm trong quy hoạch.
“Đang yên ổn sản xuất thì tôi cùng nhiều gia đình trong xã nhận được thông tin những thửa ruộng đang canh tác dính vào Dự án KDC Cầu Chẹm, buộc phải thu hồi để GPMB. Nhà thuần nông, thu nhập trông chờ vào cây lúa nhưng 2 năm qua chính quyền không cho xuống ruộng sản xuất vì đất nằm trong quy hoạch. Hiện tại, nhà tôi vẫn chưa nhận tiền đền bù GPMB vì mức giá họ đưa ra quá rẻ, trong khi đó, họ thu hồi đất để làm khu dân cư, đem cho doanh nghiệp phân lô bán nền, bán ra ngoài thu lợi nhuận chứ đâu phải là công trình công cộng, công trình dân sinh giúp ích cho nhân dân và nhà nước” - ông Vân bức xúc nói.
Bao giờ triển khai?
Theo ông Vân, trước khi đất ruộng bị dính vào Dự án, gia đình ông vẫn sản xuất bình thường, mỗi năm thu hoạch trên 1 tấn lúa cùng ngô, khoai, lạc, thu nhập ước tính cũng trên 15 triệu đồng từ thửa ruộng này. Sau khi có thông tin quy hoạch và không đồng tình với việc GPMB, gia đình ông không được sản xuất trên khu đất trên, từ đó đến nay không có thu nhập. Với những mất mát, tổn thất này của người dân, không biết cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm vì Dự án chậm GPMB, chậm tiến độ thực hiện.
Trong khi 8 hộ dân trong vùng thực hiện Dự án khẳng định chưa nhận tiền đền bù GPMB thì ông Nguyễn Duy Thọ - Chủ tịch UBND xã Gia Thanh lại khẳng định: Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, xã đã phối hợp với Hội đồng GPMB huyện thực hiện xong việc GPMB từ năm 2020. Lý do dự án chậm triển khai, ông Thọ cũng thừa nhận địa phương không nắm được.
Về phía UBND huyện Gia Viễn, ông Nguyên Công Hoan - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho hay: Trong 7,5ha đất thu hồi của Dự án thì chủ yếu là đất 2 lúa của 108 hộ gia đình, còn lại là đất công ích của địa phương và một phần đất kênh mương nội đồng.
Ông Hoan cho biết: Việc GPMB được thực hiện hoàn tất từ năm 2020 với tổng chi phí đền bù là trên 15 tỷ đồng. Huyện cũng đã có văn bản gửi Sở TNMT về vấn đề này. Tại Dự án KDC Cầu Chẹm chủ đầu tư chưa san lấp hay xây dựng bất kỳ công trình nào. Tổng diện tích đất thực hiện Dự án chưa được giao cho chủ đầu tư vì chưa xác định được giá đất.
Theo tìm hiểu, thời điểm cuối tháng 7/2019, Dự án KDC Cầu Chẹm đã được UBND tỉnh Ninh Bình chỉ định thầu cho Thành Thắng Group vì chỉ có đơn vị này trúng thầu sơ tuyển. Là Dự án đầu tiên của tỉnh Ninh Bình xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, đồng thời phân lô bán nền sau khi đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, do đó, không khó hiểu khi vào ngày 18/2/2020, đích thân ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thời điểm năm 2020) đã tới dự và chỉ đạo tại Lễ ký kết hợp đồng giữa Thành Thắng Group và Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình.
Lễ ký kết và những khẩu hiệu cam kết được thực hiện long trọng là vậy, tuy nhiên, tất cả những gì diễn ra mới chỉ nằm trên giấy xuyên suốt 2/3 thời gian thực hiện dự án.
Trong khi người dân mất đất sản xuất, không còn nguồn thu nhập thì chính quyền tỉnh Ninh Bình cùng Thành Thắng Group lại chưa có động thái sẽ triển khai Dự án này. Dư luận đang thắc mắc, nếu Dự án không thể hoàn thành đúng kế hoạch, ai sẽ là người phải gánh chịu trách nhiệm?