Tại phiên họp mới đây của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, thông tin làm nóng dư luận là vẫn tồn tại nhiều dự án chậm được triển khai. Nhiều lý do được đưa ra nhưng cũng không thể biện minh cho việc trì hoãn các dự án.
Đến nay, trong số 206 dự án ở TP Hà Nội được trao quyết định chủ trương đầu tư, mới có 51 dự án hoàn thành. Tỉ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các hội nghị được hiện thực hóa thành các dự án đầu tư còn ít - có đến 54/104 biên bản chưa được thực hiện.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án với tổng số vốn hơn 548.000 tỉ đồng. Đến nay, ngoài 51 dự án đã hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.
Việc triển khai các dự án còn chậm là do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, Luật Đầu tư được kiến nghị sửa đổi. Trên cơ sở đó, TP Hà Nội yêu cầu rà soát lại trình tự thủ tục pháp lý của các dự án.
Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án còn vi phạm liên quan đến đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội… Một số nhà đầu tư chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của các sở, ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư.
Còn theo ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Kết quả, 379 dự án đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong 30 dự án được kiến nghị thu hồi, TP Hà Nội đã thu hồi 10 dự án. Ngoài ra, 35 dự án được gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng do vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế. TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần dự án nào liên quan các quận, huyện, thị xã thì thành phố sẽ tập trung tháo gỡ để sớm triển khai.
“Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, đề nghị các địa phương báo cáo thành phố để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo Trung ương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đối với những dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư thì thành phố kiên quyết thu hồi” - ông Đông nêu rõ.
Về vấn đề này, theo Thường trực HĐND TP Hà Nội, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư thì còn có trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là trong công tác hậu kiểm. Chế tài xử lý các dự án chậm triển khai đã được quy định rất rõ trong luật, vấn đề đặt ra là phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; cần phải có giải pháp cụ thể, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất hơn nữa để những mảnh đất vàng của thủ đô không bị bỏ hoang.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án chậm triển khai thì UBND TP Hà Nội cần mạnh dạn thu hồi các dự án vi phạm, quá chậm trễ. Không thể kéo dài tình trạng này khi ngay cả những dự án trọng điểm cũng ì ạch, dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có. Vấn đề chính ở đây là cần có thái độ xử lý kiên quyết, đặc biệt đối với những dự án mà chủ đầu tư cố tình trì hoãn thì cần phải được xử lý sớm.