Sau thời gian khởi công, hiện có 8/10 gói thầu thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang thi công chậm tiến độ khiến người dân sống xung quanh khu vực dự án bức xúc.
Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài hơn 1.353 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Dự án bao gồm 10 gói thầu xây lắp do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.
Đến nay Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chương trình phát triển các đô thị loại II (Ban QLDA) đã hoàn thành việc chọn lựa nhà thầu 10 gói thầu. Trong đó, có 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng. 8 gói thầu còn lại đang triển khai thi công, tuy nhiên có nhiều gói thầu đang trong tình trạng chậm tiến độ.
Điển hình tại gói thầu số 24 gồm các hạng mục: Hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; Nạo vét và kè hồ kinh thành; Chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba có giá trị hợp đồng 224,21 tỷ đồng, khởi công từ ngày 20/4/2021, dự kiến hoàn thành ngày 20/4/2024, do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương Mại 299 thực hiện.
Tại dự án này, nhà thầu đang triển khai hạng mục thoát nước và vỉa hè các phường nội thành ở các tuyến đường như Đặng Dung, Lê Thánh Tôn, Nhật Lệ…. Quá trình thi công chậm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của người dân xung quanh khu vực công trình.
Bà Trần Thị Hạnh (62 tuổi) - tiểu thương buôn bán tại tuyến đường Lê Thánh Tôn, phường Đông Ba (TP Huế) cho biết, tuyến đường được triển khai và thi công từ tháng 3/2022 đến nay, suốt hơn 1 năm qua, các nhà thầu thi công với tiến độ rất chậm. "Khu vực này gần trường học, dân cư đông, lượng phương tiện và người dân lưu thông tại các tuyến đường này rất nhiều… việc thi công dự án chậm đã phần nào ảnh hưởng đến đời sống của bà con nơi đây. Đặc biệt, vào các giờ tan tầm, tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Tôi cũng như người dân sống ở khu vực này mong muốn các đơn vị thi công sẽ sớm hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng" - bà Hạnh nói.
Tương tự ông Nguyễn Văn Thành (65 tuổi, trú tại đường Nhật Lệ, TP Huế) cho biết: Khi dự án triển khai nâng cấp tuyến đường, người dân chúng tôi ở đây ai cũng vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án chậm tiến độ, kéo dài, đường bị đào xới gây bụi bặm vào mùa nắng, mưa xuống thì đọng nước khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Chúng tôi rất mong nhà thầu sớm hoàn thiện để trả tuyến đường này cho người dân đi lại càng sớm càng tốt.
Ngoài gói thầu số 24, hiện một số gói thầu như: Gói thầu số 37 - Nạo vét và kè sông Kẻ Vạn; Cải tạo nâng cấp sông Lấp. Gói thầu số 39 - Xây lắp tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp (phần nâng cao độ) và di dời trạm biến áp… cũng đang chậm tiến độ.
Theo Ban QLDA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ các gói thầu như: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); các thay đổi điều chỉnh thiết kế để chỉnh trang đô thị, bảo vệ di tích; giá nhiên liệu, vật liệu tăng đột biến; khan hiếm nguồn vật liệu, ảnh hưởng đến việc cung cấp vật tư để thi công công trình và năng lực thi công còn hạn chế của nhà thầu. Bên cạnh đó, cuối năm 2022 và đầu năm 2023 thời tiết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục mưa, lạnh dẫn đến các công trình không thể triển khai thi công theo kế hoạch.
Ông Phan Quốc Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số gói thầu của dự án đang thi công rất chậm, ngoài những nguyên nhân như GPMB, việc điều chỉnh so với thiết kế ban đầu còn có yếu tố năng lực thi công hạn chế của một số nhà thầu. “Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các nhà thầu cần tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án theo đúng tiến độ cam kết” - ông Sơn nói.