Không chỉ người dân sống khổ vì dự án “treo” mà sau 25 năm dự án chưa hoàng thành khiến nơi đây đã và đang diễn ra những hệ lụy phức tạp về chuyển nhượng đất đai, xây nhà trái phép và nhiều vấn đề khác, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa UBND thị xã Điện Bàn và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5ha.
Con số nêu trên nói lên việc xây nhà trái phép đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực này. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, sang nhượng đất không phép tại đây cũng đang phức tạp.
Điển hình như trường hợp ông P.Đ.T. ở phường Điện Ngọc (Điện Bàn) có khoảng 1.200m2 đất sản xuất và hiện ông T. xây dựng tường rào, cổng ngõ, công trình trái phép. Đội Quy tắc đô thị phường Điện Ngọc đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt, nhưng ông T. vẫn tiếp tục xây dựng. Điều đáng nói, không chỉ riêng ông T., mà ở đây có rất nhiều người dân đang thực hiện việc xây dựng trái phép với nhiều mục đích khác nhau.
Ông Nguyễn Minh (68 tuổi) - người dân trú khối phố Câu Hà cho biết, thời gian qua, có rất nhiều người lén lút xây dựng nhà cửa, tường rào, cổng ngõ tại khu vực này. Có những người vì nhu cầu thật sự cần xây nhà cho con, cháu ở hay nhà đã quá xuống cấp nghiêm trọng cần phải tu sửa nếu không rất nguy hiểm khi vào mùa mưa bão, nhưng không được cấp phép vẫn đành xây liều.
“Tuy nhiên cũng có những người với mục đích xây dựng các công trình để chờ đền bù giải tỏa. Cơ quan chức năng xuống lập biên bản không cho xây dựng, yêu cầu tháo dỡ nhưng có người tháo dỡ, người không, cũng có người tiếp tục xây, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương” - ông Minh nói.
Một người dân ở khối phố Câu Hà cho rằng: “Tất cả do thấy người này xây dựng được thì người khác cũng làm theo. Họ cứ thế đi mua vật tư về xây dựng nhà để chờ nhận tiền đền bù. Đáng nói, ngay sau khi nghe tin dự án sắp khởi động lại ở Quảng Nam thì nhiều người dân khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn đã ồ ạt xây dựng nhà cửa, các công trình phụ để chờ đền bù”.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: “Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên, tình hình an ninh nông thôn - đô thị tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại khu vực”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc có khoảng 270 hộ dân nằm trong vùng Dự án Đại học Đà Nẵng đã được phê duyệt. Nhiều hộ dân khối phố này đã khẩn trương xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều ngôi nhà xây mới trên đất sản xuất, dù chính quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục triển khai.
Chia sẻ về sự việc này, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, theo quy hoạch, dự án có khoảng 190ha thuộc địa phận thị xã Điện Bàn. Trong phần diện tích trên, có hơn 30ha đất chỉnh trang hiện trạng có nhà cửa dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (ĐT 607) rất phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tuy nhiên, về công tác giải phóng mặt bằng, UBND thị xã Điện Bàn đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại khu vực dự án.
Được biết, trong thời gian qua, việc quản lý đất đai, hiện trạng ở khu Dự án Đại học Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn. Đã có nhiều trường hợp xây nhà trái phép. Trong số này hầu hết là xây để chờ đền bù, giải tỏa, còn một số ít khác là có nhu cầu ở thật sự. Ngoài ra, sau khi phát hiện xây dựng trái phép, Đội Quy tắc đô thị của phường đến làm việc thì chủ nhà bỏ đi, có một số chủ nhà bất hợp tác. Việc xử lý xây dựng trái phép ở Dự án Đại học Đà Nẵng trên địa bàn phường rất khó khăn. Đó là chưa nói đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, còn nhiều bất cập, quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của dự án chưa xong.
(Còn nữa)
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định: “Dự án kéo dài trong nhiều năm khiến cho công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân, hộ khẩu trên địa bàn rất bất cập. Vấn đề cư trú, lưu trú, tạm trú tại khu vực Đại học rất phức tạp nên việc nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn”.