Dự án Đại học Đà Nẵng có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó phía Đà Nẵng đã thực hiện 831 tỷ đồng với gần 13 ha đất xây dựng khu tái định cư; giải phóng mặt bằng được 79 ha, còn 31 ha đang tiếp tục giải tỏa. Riêng 190 ha tại Quảng Nam còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ .
Trong Báo cáo số 150/BC-UBND, ngày 5/8/2022, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho rằng, UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo ông Thanh, việc đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ- TTg ngày 9/7/2020 là cần thiết, góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Với quyết tâm đóng góp tâm sức xây dựng hoàn chỉnh dự án để đưa vào hoạt động, Quảng Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác an dân, quy hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB),... Thậm chí UBND tỉnh Quảng Nam năm 2020 đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án Đại học Đà Nẵng với nhiều cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành liên quan đến lãnh đạo địa phương. Nhiệm vụ của Tổ công tác và Bộ phận giúp việc là hướng dẫn Đại học Đà Nẵng thực hiện các thủ tục hành chính triển khai dự án nói trên. Ngoài ra, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư, các khu dân cư và nhiều vấn đề liên quan đến dự án.
Thế nhưng dự án đã kéo dài 25 năm, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể người dân không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo quy định của pháp luật. Nếu không được giải quyết tình trạng này không biết kéo dài đến bao lâu.
Thời gian qua công tác GPMB ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ triển khai được 1,2ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao làng đại học. Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, các hộ ảnh hưởng đường bao vẫn chưa bồi thường và chưa có kế hoạch di dời.
Trong báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Qua kiểm tra, rà soát thì dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân (tỷ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án) dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và rất khó khăn, phức tạp trong công tác GPMB, tái định cư.
Như vậy, việc triển khai thực hiện công tác GPMB dự án cơ bản không khả thi. Tuy nhiên, qua khảo sát, trong khu vực Dự án Đại học Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, trong đó khoảng 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác GPMB. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao cho UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại khu vực dự án đối với gần 160ha còn lại.
Để dự án tiếp tục triển khai, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường GPMB và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan. Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 (160ha).
Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha nói trên; phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ làng Đại học Đà Nẵng. Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn khoảng 4.164 tỷ đồng để GPMB dự án, trong trường hợp không đủ vốn thì giảm diện tích từ 160ha xuống còn 50ha.
Ông Thanh cũng nêu rõ: “UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn, các sở, ngành, đơn vị liên quan lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu và thu tiền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách”.
Thực tế Dự án Đại học Đà Nẵng sau 25 năm vẫn giậm chân tại chỗ, cho dù đã có nhiều cố gắng từ địa phương, nhưng công tác GPMB vẫn ì ạch; người dân thi nhau xây dựng nhà trái phép. Càng lâu, hạ tầng cơ sở xuống cấp và hệ lụy mua bán đất trái phép dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.... Nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Với tình hình hiện nay cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, với quyết tâm cao tháo gỡ mọi vướng mắc để dự án sớm được hoàn thành, đi vào hoạt động, đáp ứng được nguyện vọng của chính quyền và người dân.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: “UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn, các sở, ngành, đơn vị liên quan lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu và thu tiền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách”.