Đó là kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 14/6.
Liên quan đến quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân tại Khoản 2, Điều 59 dự thảo luật quy định: “Khi cần thiết, được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”, đại biểu Cầm Hà Chung - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Quy định này vô hình chung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng được giám sát, chưa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. Do đó cần xem xét bỏ quy định này để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân”.
Ông Chung đề nghị quy định rõ và đầy đủ quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ cơ sở, nhấn mạnh khâu chủ động đề xuất các vấn đề nhân dân, người lao động quyết định, tham gia ý kiến.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa phản ánh được một cách rõ nét, đầy đủ vai trò nòng cốt ấy.
Từ đó bà Thủy kiến nghị: “Cần làm rõ vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề của nhân dân, quyết định của nhân dân, kiến nghị và yêu cầu các phương thức để thực hiện tốt các hoạt động giám sát xã hội, theo các kiến nghị, đề xuất yêu cầu của nhân dân và hỗ trợ nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân thực chất và có hiệu quả”.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Bổ sung thêm các điều khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban Thanh tra, của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, để góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, tại Điều 4 cần bổ sung nội dung người dân được quyền tham gia các hội nghị, cuộc họp liên quan tới các nội dung dân được biết, dân được bàn, dân được quyết định để tránh trường hợp khi người dân không được mời họp nhưng các nội dung lấy ý kiến của người dân vẫn được thông qua.
Liên quan đến Khoản 3 của Điều 14 có quy định: “Khi cử tri có sáng kiến thì phải có ít nhất 10% cử tri, và hộ gia đình cộng đồng đồng ý thì mới được đưa ra bàn” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: “Quy định như vậy là hạn chế khả năng sáng tạo, tinh thần mong muốn đóng góp của người dân xây dựng cộng đồng với các cơ quan nhà nước. Việc quy định 10% cử tri và hộ gia đình đồng ý là không có cơ sở nào quy định. Chính vì vậy nên bỏ quy định khi có 10% cử tri và hộ gia đình ở cộng đồng thống nhất”.
Đặc biệt tại Điều 16 về lập danh sách cử tri, theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, cơ quan soạn thảo đang quy định quyền của người dân được tham gia họp, bàn vấn đề của cộng đồng các cơ quan xin ý kiến giống như quy trình của công tác bầu cử và nó mang tính bắt buộc chứ chưa thể hiện vai trò của người dân và cộng đồng.
Cùng đó, bà Trương Thị Ngọc Ánh đưa ra phân tích: Quy định trước 10 ngày họp mà thôn trưởng, tổ trưởng dân phố lập danh sách cử tri là rất nhiêu khê về thủ tục hành chính, không phù hợp. Do đó đề nghị cần nghiên cứu việc lập danh sách người dân tham gia các cuộc họp theo hướng khi người dân nhận được thông báo họp để tham gia bàn bạc, quyết định vấn đề gì đó thì các hộ gia đình chủ động đăng ký thôn trưởng, tổ trưởng dân phố lập danh sách theo dõi được tham gia họp hộ gia đình và tính tỷ lệ khi biểu quyết.
“Điều 60, 62, 63 quy định về tổ chức Thanh tra nhân dân ở cấp xã, các cơ quan nhà nước phải quy định được rõ trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng cơ quan đối với thiết chế lập ra để đảm bảo giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở, xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị nhiệm kỳ Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, phường nên là 2,5 năm cho phù hợp với nhiệm kỳ của chi bộ cấp thôn, tổ dân phố”- bà Trương Thị Ngọc Ánh cho hay.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng kiến nghị: “Điều 70 quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam cần thiết kế cho rõ hơn theo hướng phát huy vai trò tự quản của người dân trong thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng và hướng dẫn nội dung người dân giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các cơ quan, các tổ chức chính quyền. Bên cạnh đó chủ trì đối thoại giữa chính quyền với nhân dân, tập hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân phản ánh với chính quyền và cơ quan chức năng, đồng thời giám sát việc thực hiện giải quyết kiến nghị của nhân dân đối với các cơ quan liên quan. Quy định MTTQ cấp xã hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện nhiệm vụ dân chủ ở cơ sở theo điều lệ của MTTQ và hướng dẫn của cấp trên”.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, người đứng đầu cơ quan đơn vị, người sử dụng lao động, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong bảo đảm và tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở…