Sau thời gian dài thi công, hiện tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao đã thi công đạt 99,54 %, 8 nhà ga trên cao đã hoàn thành việc xây dựng lắp đặt.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đoạn trên cao Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án) đạt 99,54%. Các công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 8 ga trên cao của Dự án đã hoàn tất. Đồng thời, việc tháo dỡ toàn bộ hàng rào tôn bảo vệ trong quá trình thi công tại các công trường cũng đã được thực hiện.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được thiết kế đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật và thẩm mỹ cao.
"Đây không chỉ là một công trình phục vụ nhân dân, mà còn là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc cho khu vực phía Tây thành phố", Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định.
Dự án nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao nằm trên dải phân cách đường bộ, được hỗ trợ bằng 572 phiến dầm hình chữ U làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Những phiến dầm này có chiều dài 25 mét, chiều rộng 5,2 mét, với trọng lượng lên đến 157 tấn.
Dự án sử dụng dầm chữ U sử dụng tại Dự án được thiết kế riêng, mang lại nhiều tính năng ưu việt như giảm thiểu ảnh hưởng đến tầm nhìn, kết hợp với các thành phần chống ồn, tường chắn chống trật bánh, lối đi khẩn cấp, tối ưu hóa trọng lượng và dễ dàng kiểm soát chất lượng trong quá trình đúc chế tại nhà máy. Thiết kế này cũng tạo ra ít các góc cạnh, góp phần tạo nên tính thẩm mỹ, và quan trọng nhất là đảm bảo mức độ an toàn cao, bảo vệ cả nhân viên và hành khách khi sử dụng.
Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Về hình thức, các nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình. Bao quanh nhà ga là thảm cây xanh, được trồng và tưới nước tự động, hoa giấy là loại được lựa chọn phù hợp với thời tiết Hà Nội và luôn nở rộ.
Mặt bên của công trình nhà ga có sự kết hợp hài hoà giữa thảm cây xanh, hệ lam hắt chống nắng bằng vật liệu nhôm đúc nguyên khối và các tấm kim loại không gỉ đã được gia công tạo hình đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng của nhà ga. Đây là loại vật liệu tương đối cao cấp, hình thức, mẫu mã phong phú, đa dạng, với những đặc điểm bền, đẹp, không bám bụi bẩn, dễ bảo dưỡng và thay thế. Hệ bao che bằng tấm kim loại không gỉ có đục lỗ tạo nên sự thoáng đãng, điều hòa không khí và thân thiện với môi trường, thích ứng điều kiện khí hậu nhiệt đới của Hà Nội.
Mái nhà ga có kết cấu dạng chữ V với độ dốc tương đối lớn để có thể “tự làm sạch” khi trời mưa. Độ dốc lớn giúp việc bảo dưỡng trở nên đơn giản hơn, tránh được sự lắng đọng nước, bảo vệ mái khỏi việc ngấm và rò rỉ.
Hệ kính mái được lựa chọn là loại kính cản nhiệt, chống tia UV đảm bảo việc cấp ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, bảo vệ sức khoẻ (làn da) cho hành khách khi đứng đợi, lên xuống tàu ở tầng ke ga.
Về công năng, 8 nhà ga trên cao thuộc Dự án có chiều cao khoảng 22,5 mét, chiều rộng khoảng 24 mét, nằm cách mặt đường 8m. Mỗi nhà ga được thiết kế với 3 tầng: Tầng mặt đất, nơi hành khách bắt đầu tiếp cận các cầu thang để lên trên ga, nơi bố trí máy phát điện dự phòng, hệ thống bơm cấp nước phục vụ sinh hoạt và PCCC; Tầng trung chuyển - được chia làm hai khu vực riêng biệt: khu vực hành khách mua, soát vé, các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách và khu vực kỹ thuật điều hành hoạt động nhà ga; Tầng ke ga - nơi khách đợi, lên tàu, đi kèm với hệ thống chỉ dẫn các thông tin cho hành khách, hệ thống kiểm soát an toàn phục vụ vận hành.
Hiện tại, hệ thống thu vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao. Hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Pháp. Một số thiết bị của hệ thống là: máy bán vé tự động (TVM), hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé (TOM), máy khởi tạo thẻ (CIM), thiết bị soát vé cầm tay (PCD),…
Với hệ thống thu vé tự động AFC, khi đến ga bất kỳ của Tuyến, hành khách có thể chọn mua nhiều loại thẻ/vé. Tiếp đến, hành khách sẽ đi qua cửa kiểm soát được thực hiện bằng hệ thống kiểm soát tự động. Nếu thẻ/vé hợp lệ, cửa sẽ tự động mở cửa để hành khách đi qua. Hành khách đi theo biển chỉ dẫn đúng hướng tàu theo lịch trình và di chuyển lên khu vực đợi tàu. Chú ý giữ lại thẻ/vé để lặp lại các bước soát thẻ/vé một lần nữa tại Ga đến.
Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, bao gồm: ga Nhổn, ga Minh Khai, ga Phú Diễn, ga Cầu Diễn, ga Lê Đức Thọ, ga Đại học Quốc gia, ga Chùa Hà, ga Cầu Giấy. Không chỉ đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật, mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô.
Nếu như ga Cầu Giấy được thiết kế nội thất nổi bật hình ảnh của muông thú gắn với địa điểm Công viên Thủ Lệ… Đối diện với Trường Đại học Công nghiệp, ga Nhổn được thiết kế với nguồn cảm hứng từ những biểu tượng đặc trưng của khoa học.
"Hiện tại, Dự án đã hoàn thành 3 gói thầu: Gói CP01 - Tuyến đoạn trên cao, Gói CP02 - Các ga trên cao, Gói CP04 - Hạ tầng kỹ thuật Depot. Tiến độ các gói thầu còn lại của Dự án như sau: Gói thầu CP05 - Các công trình kiến trúc khu Depot đạt 99,4%; Gói CP06 - Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1: Đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCADA, tín hiệu, thông tin và cấp điện - đoạn trên cao đạt 99,6%; Gói CP07 - Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 2 (E&M): Hệ thống kiểm soát môi trường, các thang máy và thang cuốn, hệ thống PCCC và hệ thống thoát nước - đoạn trên cao đạt 99,6%; Gói CP08 - Thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống đường sắt 3: Đường sắt cho toàn bộ tuyến và các đường sắt trong Depot (bao gồm ray thứ 3) - tiến độ đoạn trên cao đạt 99,9%; Gói thầu CP09 - Hệ thống vé - tiến độ đoạn trên cao đạt 98,3%. Để tiến tới vận hành thử trước khi vận hành chính thức, Dự án đang tiến hành công tác đào tạo vận hành, đánh giá và báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu", Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.