Dự án Thủy điện xã Tiền Phong (Nghệ An) mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng gần 5ha rừng, nhưng Sở Công thương tỉnh này vẫn phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư. Có thể thấy, nếu thực hiện dự án nói trên thì 4,75ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ sẽ bị đốn hạ, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 13/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Dự án Thủy điện Tiền Phong bị tuýt còi vì vướng vào rừng đặc dụng.
Tháng 5/2015, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3130/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình (tỷ lệ 1/2000) và quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu nhà máy và đập đầu mối Công trình Thủy điện Tiền Phong (viết tắt là TĐ Tiền Phong), xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Công trình do Công ty cổ phần Prime Quế Phong (Prime Quế Phong) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thủy điện Tiền Phong (Cty Tiền Phong). Dự án nhà máy thủy điện có công suất lắp máy 6MW, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 211 tỷ đồng. Tổng thể Dự án TĐ Tiền Phong được xây dựng trên quy hoạch 8,5ha.
Tuy nhiên, trong mặt bằng thực hiện dự án này có tới 4,75ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp thuộc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quản lý chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Và phải tới khi nhận được văn bản số 34/TĐTP ngày 27/2/2018 của Cty Tiền Phong thông báo khởi công xây dựng Dự án TĐ Tiền Phong, các cơ quan chức năng liên quan tỉnh này mới phát hiện những “vướng mắc” và kiên quyết yêu cầu Cty Tiền Phong phải hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định mới được khởi công dự án. Cụ thể, tại văn bản số 408/UBND-KTHT vào ngày 3/4/2018 của UBND huyện Quế Phong nêu rõ: Đối với Cty Tiền Phong phải thực hiện nghiêm túc các quy định ban hành của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và hoàn thiện các hồ sơ, trình tự thủ tục trước khi khởi công và triển khai xây dựng Dự án Thủy điện Tiền Phong. Cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến dự án cho UBND huyện để phục vụ cho việc kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án.
Ông Lê Văn Giáp- Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định: “Ngay sau khi nhận được thông báo khởi công, huyện đã cho các phòng ban chuyên môn kiểm tra, rà soát và phát hiện tại Dự án này có hơn 4,7ha đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau đó, chúng tôi yêu cầu đơn vị này hoàn chỉnh các loại giấy tờ theo quy định mới được khởi công. Tuy nhiên từ đó đến nay đơn vị này chưa trình được hồ sơ pháp lý như quy định nên Dự án này đang tạm dừng đến nay”. Ngoài ra, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (chủ rừng) cũng đã có các văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An về thực trạng số diện tích rừng nằm trong Dự án TĐ Tiền Phong. Cụ thể, tại công văn số 759 ngày 6/4/2018, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Dự án chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện vì có 4,75ha đất rừng chưa chuyển mục đích sử dụng. Trong tổng số 4,75 ha đất lâm nghiệp này thực tế hiện có 2,63ha đất rừng tự nhiên hiện quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác”.
Vậy nhưng không hiểu vì sao, vào tháng 8/2018, ông Hoàng Văn Tám- Giám đốc Sở Công thương Nghệ An vẫn ký thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật đối với dự án này. Ông Tám nói: “Hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật chỉ là một phần trong bộ hồ sơ của dự án, để được cấp phép, tiến hành triển khai dự án thì chủ đầu tư phải hoàn thành GPMB, thuê đất hay đánh giá tác động môi trường (ĐTM)… Và không riêng gì Dự án TĐ Tiền Phong mà một số dự án thủy điện khác cũng đang vướng mắc. Theo Quy hoạch, các dự này có trước Chỉ thị số 13-CT/TW ra đời. Quan điểm của ngành về việc này là rất chia sẻ với nhà đầu tư”.
Còn ông Lê Thái Quang Hào- Giám đốc Cty TĐ Tiền Phong khẳng định: “Hiện chúng tôi đã được tỉnh Nghệ An đồng ý cho chuyển đổi 8,5ha đất lâm nghiệp sang đất xây dựng nhà máy thủy điện. Sau đó, chúng tôi đã thực hiện việc chuyển đổi nói trên. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa thì sai lệch, cho nên Dự án phải dừng khởi công. Hiện, chúng tôi cũng đã trình UBND tỉnh Nghệ An xin chuyển số diện tích đất lâm nghiệp còn lại cho đúng với thực địa, nhưng chưa có hồi âm”.
Được biết, sau khi có Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các dự án thủy điện được rà soát nghiêm ngặt. Riêng Dự án TĐ Tiền Phong thuộc nhóm phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng trên diện tích đất rừng tự nhiên lớn. Đây là một trong 27 dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng ký văn bản đề nghị Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhưng đến nay chưa có kết quả.