Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023”, diễn ra ngày 4/1.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, năm 2022 là một năm rất khó khăn với kinh tế thế giới. Ở nhiều nước phương Tây, lạm phát đã tăng lên mức trên dưới 10%, cao nhất trong khoảng 30 - 40 năm trở lại đây. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với tần suất và tốc độ nhanh chưa từng thấy, kể từ thập niên 1980.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 vẫn tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 trong khi lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao.
“Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng được coi là đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới trong năm qua” - ông Việt đánh giá.
Dự báo kinh tế 2023, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng khi lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới hạ nhiệt, trong đó, lạm phát của Mỹ đạt đỉnh ở mức 9% và hiện đang trong xu hướng giảm; thì về tổng thể có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn.
“Trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi” - ông Độ đánh giá.
Ông Độ cho biết, sở dĩ mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 được đặt ở mức 4,5%, cao hơn năm trước, do mục tiêu này được đưa ra tháng 10-11/2022 để Quốc hội thông qua. Thời điểm đó, áp lực tỷ giá rất lớn. Theo tính toán, tỷ giá tăng 1% thì CPI tăng 0,3%. Tuy nhiên, hiện tỷ giá giảm khá mạnh thì áp lực lạm phát cũng giảm đáng kể.
Trong khi đó, nhiều định chế tài chính quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế cũng có những nhận định tốt về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023. Dự báo năm 2023 đối với kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, điều đó sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu vậy Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước “giữ phong độ” tốt nhất.
Ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng tăng trưởng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Dù năm 2023 còn nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam nhưng các chuyên gia tài chính quốc tế cùng chung nhận định rằng trên nền tảng kết quả của năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu tăng 10,6% và nhập khẩu tăng 8,4%. Xuất siêu 11,2 tỷ USD. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đó chính là nền tảng vững chắc để tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ ở khoảng trên dưới 7%.