Nền nhiệt trung bình năm cao hơn, các cơn bão đổ bộ vào nước ta sẽ phức tạp hơn do ở giai đoạn chuyển giao giữa La Nina và El Nino… làm cho thiên tai năm nay sẽ phức tạp hơn.
Theo SKĐS, ngày 11/4, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo "Dự báo xu thế khí tượng thủy văn và thiên tai năm 2023" do ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, tác nghiệp và ứng dụng dự báo như Viên Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu,, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Ủy ban Sông Mê Kông, các trường đại học và 9 Đài khí tượng thủy văn khu vực trong cả nước cùng các chuyên gia.
Các đại biểu đều thống nhất việc dự báo mùa là rất quan trọng giúp cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp có thể tham khảo thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó theo đặc thù ở địa phương, khu vực góp phần giảm thiểu tổn thất. Các chuyên gia đã thảo luận về các khả năng xu thế thời tiết như: nền nhiệt độ trung bình cao hơn, hoạt động của gió mùa Tây Nam, diễn biến dòng chảy ở khu vực Mê Kong, khu vực phía Bắc, xu thế bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Theo cơ quan khí tượng, hiện tượng La Nina còn duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất khoảng 50 - 60%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65 - 75%, những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng. Không ngoại trừ khả năng hiện tượng El Nino quay trở lại vào các tháng cuối năm 2023.
Từ tháng 5 - 6/2023 bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023. Nắng nóng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ từ tháng 3; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng sang khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào tháng 4 - 5/2023. Đến tháng 6/2023 nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Về xu thế nhiệt độ, từ tháng 4 - 6/2023, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ CC so với trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Về lượng mưa, từ tháng 4 - 6/2023 tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm riêng khu vực đồng bằng và ven biển cao hơn từ 5 - 10% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến xấp xỉ với trung bình nhiều năm; khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Nam phổ biến thấp hơn từ 5 - 10% so với trung bình nhiều năm; khu vực Quảng Ngãi đến Bình Thuận và Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 10 - 20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình hàng năm.
Từ tháng 7 - 12/2023, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn so với TBNN. Bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta phù hợp với quy luật khí hậu, các tháng từ 7 - 9/2023 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng từ 9 - 11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung.
Trong các tháng nửa cuối năm 2023 đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của xoáy thuân nhiệt đới và gió mùa Tây Nam ở vùng biển Giữa và Nam Biển Đông và không khí lạnh từ tháng 11 - 12/2023 ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình trong thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 9/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm và có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm trong thời kỳ từ tháng 10 đến tháng 12/2023.
Từ tháng 7 - 9/2023, lượng mưa khu vực Việt Nam có xu hướng xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thời kỳ từ tháng 10 - 12/2023, tại các tỉnh thuộc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, trong khi đó các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.