Trước diễn biến của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, mưa lớn kéo dài, lãnh đạo Bộ TNMT yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia làm tốt công tác dự báo mưa lũ, thiên tai để sẵn sàng các kịch bản ứng phó.
Mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao
Những cơn mưa liên tiếp, kéo dài những ngày qua đã và đang gây ảnh hưởng lớn kèm theo thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh Bắc Bộ. Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, đợt mưa dài và trên diện rộng tại khu vực này sẽ vẫn còn diễn ra và có khả năng kéo dài đến ngày 18 - 19/8/2020. Trong những ngày tới đây ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 30 - 70 mm/24h), riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 70 - 150 mm/24h, có nơi trên 170 mm/24h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cơ quan khí tượng thủy văn vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt, lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và một số địa phương khác gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Lý giải nguyên nhân gây sạt, trượt lở, các chuyên gia Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TNMT) cho rằng, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa…
Ngoài ra, các khu vực có địa hình phân cắt mạnh, bề mặt địa hình dốc; lớp vỏ phong hóa dày, nhanh ngấm nước, dễ bị nước mưa làm cho bão hòa, giảm độ ổn định sườn dốc; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn rất ít khiến lớp phủ thực vật mỏng; mưa kéo dài hoặc mưa cục bộ với cường độ lớn trong mùa mưa bão… cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng trượt lở đất.
Rà soát công tác dự báo mưa lũ
Tại cuộc họp mới nhất với Tổng cục KTTV về công tác dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là về nguy cơ lũ của khu vực Bắc Bộ, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành chỉ đạo: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần rà soát dự báo mưa, lũ theo các kịch bản cực hạn của các tính toán vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, đánh giá lũ và các khu vực có nguy cơ, rủi ro cao như các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, đô thị.
Tại đây, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho hay, các sản phẩm được chuyển giao trong các Dự án của Ngân hàng thế giới (WB) đã và đang được sử dụng hiệu quả trong nghiệp vụ dự báo, cảnh báo ngập lụt cho các lưu vực sông. Cùng với đó, công tác khai thác sử dụng các kết quả của smartmap đã và đang hoàn thiện.
Ông Khiêm cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác dự báo tác động dựa trên mô hình số trị, smartmap từ hiệu chỉnh mô hình số, cập nhật thông tin, và đưa ra cảnh báo, dự báo dựa trên tác động. Đặc biệt, báo cáo đánh giá trận lũ sắp tới có thể xảy ra tại khu vực Bắc Bộ.
Ông Lê Công Thành đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia xây dựng cảnh báo dự báo dựa trên cấp độ rủi ro thiên tai mà bước đầu Trung tâm đã và đang thực hiện. Lên các phương án khảo sát, sử dụng google map, đánh giá lũ và các khu vực có nguy cơ, rủi ro cao như các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, đô thị.
Ông Thành cũng đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ về nguy cơ lũ khu vực miền Trung trong tháng 10, tháng 11, trên cơ sở đánh giá lại lịch sử để đưa ra các kịch bản cực hạn có thể xảy ra và lên phương án cụ thể. Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần hỗ trợ các Đài KTTV khu vực đánh giá, cảnh báo rủi ro dựa trên các số liệu thực tế đợt lũ này. Phối hợp với Cục viễn thám quốc gia đánh giá, hỗ trợ xây dựng cấp độ rủi ro thiên tai. Rà soát lại danh mục các điểm xung yếu đê, đây là một lớp thông tin để xây dựng Dự báo tác động. Để dự báo lũ tốt cần có công tác dự báo mưa tốt, công tác quan trắc lượng mưa hiệu quả. Do vậy, Tổng cục cần tập trung thúc đẩy dự án xã hội hóa đo mưa cũng như đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống radar và định vị sét.
Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện hệ thống hỗ trợ dự báo viên; đẩy nhanh tiến độ tập trung cơ sở dữ liệu, xây dựng quy trình smartmap, xây dựng sẵn các kịch bản trong hệ thống như: Kịch bản dự báo lũ, dông, hệ thống lớn, kịch bản dự báo thời tiết cho truyền hình…
Miền Bắc sẽ đón mùa Đông đến sớm và lạnh hơn
Nhận định xu thế khí tượng từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, nắng nóng còn xảy ra trong nửa cuối tháng 8/2020 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ nhưng không gay gắt. Trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 8 và 9 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ. Ba tháng còn lại của năm nay nhiệt độ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tháng 1/2021 nhiệt độ phổ biến thấp hơn từ 0,5-1 độ.
Trung tâm KTTV quốc gia cũng nhận định xu thế ở miền Bắc, không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa đông năm 2020-2021 có xu hướng lạnh hơn so với mùa Đông năm 2019-2020.