Vũ Thiên Kiều là một cây bút trẻ trung, sung sức ở Kiên Giang. Thân gái dặm trường, cô gái quê lúa xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình từng là học sinh giỏi Văn toàn quốc năm 1985 bây giờ đã đằm thắm dịu dàng dân mến dân thương trong Ban Dân vận huyện Hòn Đất nơi biên giới Tây Nam Tổ quốc. Không ai nghĩ Vũ Thiên Kiều đã vào độ tuổi năm mươi, càng không ai nghĩ Kiều đã đạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín, xuất bản các tập thơ dày dặn ngân vang, viết những truyện ngắn thăm thẳm nỗi người mà câu văn xanh thắm.
Chúng tôi, các nhà văn quân đội có việc gì ở đất phương Nam thường lập tức tìm tới Vũ Thiên Kiều. Khi là mời nàng thơ đi trại viết như một thỏi nam châm hút các anh chàng Bắc - Trung - Nam hào hứng tới trại; lúc giao cho Kiều nhiệm vụ kết nối, thực hiện những thao tác của Ban Tổ chức, Kiều đều xuất sắc hoàn thành.
Kiều dẫn chương trình trong các cuộc tọa đàm, giao lưu đều ân tình, sáng tạo. Kiều đọc thơ cho bộ đội nơi tận cùng biên giới cháy hết mình như ngọn lửa tuổi đôi mươi... Vũ Thiên Kiều là vậy, nàng thơ Hòn Đất - Kiên Giang luôn cống hiến hết mình cho thi ca, bè bạn và cuộc sống. Mười năm không gặp vẫn như in một tấm lòng không suy suyển.
Gặp mặt hôm trước hôm sau điện thoại từ xa hay trò chuyện thật gần vẫn là một Vũ Thiên Kiều đắm say, mới mẻ và đầy tin yêu cuộc sống.
Bởi vậy chăng mà thơ Vũ Thiên Kiều luôn dài rộng, mênh mang: “Trên đỉnh dốc xông xênh nắng gió/ ngời ngợi sắc xuân/ có chút nào trầm tư về chân dốc/ thuở mồ hôi bầu bạn những âu lo...” (Đỉnh dốc); nhưng rất suy tư: “Giọt mồ hôi túa trên gương mặt người thợ/ nhúm méo mặt đời cho phẳng phiu từng phiến đá/ vuông thành sắc cạnh/ dịu êm xinh lối nhỏ” (Lòng đá); còn vô cùng tinh nghịch: “Dông dốc sông Văn/ lồng tồng bụng chữ/ áo ngủ sấn khuy cài... người về thánh thót chiều chuông/ nết dạ nết làng/ vân vân giếng nước” (Điềm sen); mới mẻ đầy chiêm nghiệm: “Chiếc bánh luộc bằng lửa nhớ/ đỏ than đếm hơi thở em/ cuộn chăn một, hai, ba/ mớ hoa giấy cười đêm sang ngày” (Ngụm nước nằm ngang); và ngang tàng thanh thoát: “Ánh mắt anh nhốt nắng quái ngang đường/ sương nâng đôi chân mềm em/ bay bay mùa mật... ánh mắt anh bời bời cầu Ô Thước/ cát cuộn bụi tròn/ đôi sam dìu nhau” (Mật mùa)...
Thơ Vũ Thiên Kiều như cuộc sống của chính con người Hòn Đất - Kiên Giang. Mà rộng hơn, mông mênh hơn bởi những đắng cay cuộc đời không một riêng ai mà tất cả chúng ta thảy đều phải đón nhận. Vũ Thiên Kiều lúc nào cũng cười thật tươi, mau mắn và lí lắc nhưng đủ thông minh cũng như đủ khù khờ trong tất thảy các câu chuyện văn chương.
Hôm gần đây thôi, khi gặp nhà thơ Hoài Vũ ở TPHCM, tôi cứ tưởng nhắc đến Vũ Thiên Kiều chắc gì tác giả “Hương tràm”, “Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây” biết tới bậc hậu sinh, vậy mà ông lại rất rành thơ của Kiều còn bảo các nhà thơ trẻ, nhất là các nữ nhà thơ đất phương Nam hiện nay tài tình lắm. Tôi im lặng bởi những gì không nói ra cũng là cần thiết.
Như thi ca cũng vậy, chớ có nói hết ra. Ví như là “Phơi lá đỏ mong mùa đựng chín/ ruột nối một dây/ căng/ đứt đoạn giữa chừng” (Búi chổi mắt anh); “Nôi thở trong váng đèn dầu đỏ/ mầm tre chồi lên từ gò đất/ mẹ sinh em” (Sấm chớp phù sa); “Anh về đầy chén cơm hơn/ trăng non/ già/ khuyết/ dỗi hờn.../ mặc trăng” (Anh về)... thì rõ ràng những gì chưa nói hết ra mới là ngân vọng vậy.
Vũ Thiên Kiều đến với thơ nghiêm túc còn có phần nghiêm khắc với chính bản thân mình… Thơ Kiều tình ẩn đằng sau chữ, nghĩa mở mang từ những đóng khép câu từ. Có những câu đọc thấy tưng tức mà đọc đi đọc lại thấy thực là mới chữ mới nghĩa cũng là một cách đóng góp của nàng thơ. Ở những chỗ như vậy chớ có lườm nguýt so sánh làm gì. Đời người đời văn chương vốn dài dằng dặc sá gì câu chữ gập ghềnh đôi lúc đánh đố nhau cũng là mến yêu nhau vậy.
Tôi đã từng được làm “học trò” của Vũ Thiên Kiều với tư cách học viên hẳn hoi, thi cử hẳn hoi. Cuộc ấy chỉ có một học viên và tôi chỉ thi với chính mình mà chánh chủ khảo là Vũ Thiên Kiều. Cuộc ấy ở trại viết Đồng Tháp do tôi là trại trưởng. Tôi tự thi với chính mình.
Tôi gửi chánh chủ khảo Vũ Thiên Kiều bài thơ “Hỏi sen”, giám khảo Kiều đọc rất kỹ, trầm ngâm rồi trang nghiêm phán: “Hỏng! Thơ của ai chứ không phải của anh. Chung chung quá. Chữ nghĩa vặn vẹo quá”.
Ngày hôm sau, tôi lại trình giám khảo Kiều bài “Thơm sen”: “Mười ba tuổi/ tắm ao sen/ em ửng áo cầu ao/ sen nghiêng bẽn lẽn/ Mười tám tuổi/ tạ sen vào tiếng súng/ em hẹn dấu chim trong/ lấm tấm cau mừng/ Mười năm đằng đẵng sen khuya/ thức xanh hương nhụy/ Anh về - tấm giấy/ tiếng mõ chùa tự bấy thơm sen”.
Lần này thì cô giáo Kiều hơi ngước mắt lên thong thả nói: “Tạm được! Bắt đầu có ý tứ nhưng nhất định phải cố lên”.
Tôi không tự ái. Thế là may mắn lắm rồi. Làm văn chương hơi tí tự ái chỉ là xách dép cho thiên hạ.
Ba ngày sau, tôi lại trình ra bài “Sen cởi áo”: “Hé chồi nghiêng lung/ Mưa mừng chấp chới/ Chúm chím hương bung/ Xanh ngần tơ tuổi/ Bung biêng đá sỏi/ Thắm thẹn then xanh/ Lụa gầy thức nhụy/ Chớp lóa gõ cành/ Riết phồng ngát ngọt/ Gió nhức mùa non/ Trăng mưng tở mở/ Núm thơm nghiên son/ Nhiên trong tơ tóc/ Buông cởi sơ sương/ Ngực hoan khỏa khép/ Muốt bờ mây vương”.
Quá tam ba bận, giám khảo Vũ Thiên Kiều lần này biết rằng không khen “học trò” cũng không ổn bèn căng mắt nhìn mãi rồi bảo: “Cái câu “Núm thơm nghiên son” có vẻ đường được. Từ rày trở đi, anh hoàn toàn có thể làm thơ”.
Cuộc ấy với tôi quả là một thử thách nhớ đời.
Vũ Thiên Kiều đến với thơ nghiêm túc còn có phần nghiêm khắc với chính bản thân mình. Phải vậy chăng mà chặng đường bền bỉ ba mươi năm không chút hụt hơi càng đi càng sum suê gốc cành hoa lá. Vô số những quả chín mùa yêu hạt vàng siêng nhặt đã đậu xuống hai vai Vũ Thiên Kiều. Nào riêng gì những rong chơi mới nên cơ nghiệp mà chính yếu là sự làm lụng, chắt chiu, thương buốt đến tận cùng mỗi cánh hoa rơi.
Thơ Kiều tình ẩn đằng sau chữ, nghĩa mở mang từ những đóng khép câu từ. Có những câu đọc thấy tưng tức mà đọc đi đọc lại thấy thực là mới chữ mới nghĩa cũng là một cách đóng góp của nàng thơ. Ở những chỗ như vậy chớ có lườm nguýt so sánh làm gì. Đời người đời văn chương vốn dài dằng dặc sá gì câu chữ gập ghềnh đôi lúc đánh đố nhau cũng là mến yêu nhau vậy.
Đừng tưởng Vũ Thiên Kiều không dám viết những khúc thơ dằng dặc miên man. Để đưa ra những thông điệp có ích cho đời sống dưới con mắt thơ, Vũ Thiên Kiều đã dám tự mình làm nhà triết học một cách khúc chiết ngọn ngành lắm: “Kiến không có cánh để bay. Dường như nó hiểu mỗi cuộc du hành thì xác suất của sự an toàn trở về tổ là rất thấp.
Thế nên, nó miệt mài tìm những con đường ngoằn nghèo thậm chí là có địa hình hiểm trở để mỗi lần ra đi lại nguyên vẹn ngày trở lại... Nếu lúc xuất hành ra đi gian khổ một thì nẻo về còn khó khăn vất vả gấp trăm lần. Kiến phải gồng mình lên để kéo hạt gạo đi theo hướng giật lùi, kéo chán thì đẩy, đẩy chán lại ngoạm ngang eo hạt gạo mà tiến.
Đây thật sự là một cuộc chiến thử thách tính kiên trì của Kiến. Vừa thồ vừa quan sát chọn lối đi an toàn cho tính mạng và tài sản vừa nhặt được. Cứ thế cứ thế Kiến đi. Có ai đồng hành cùng với Kiến? Có ai nhìn thấy nó lúc hoàn thành sứ mệnh khi đặt chiến lợi phẩm nằm gọn trong tổ. Rồi như không biết mệt mỏi, cũng không kể lể báo cáo thành tích, nó lại âm thầm hối hả với chuyến tiếp theo. Một câu hỏi chợt nảy ra: Kiến có ngủ không nhỉ?
Chỉ thấy nó rất cần mẫn lao động, cần mẫn lao động một cách đáng nể. Và sự nỗ lực của những bàn chân, bàn tay bé xíu như không thể bé hơn được nữa đã viết lên câu ca dao để đời mà ai cũng thuộc lòng: “Kiến tha lâu đầy tổ” (Con đường của Kiến).
Đó chính là một du ca - du hành chữ nghĩa thảo thơm đầy đặn lắm thay.
Đó cũng là những định luận ngàn đời không bao giờ ngưng nghỉ.
Đó cũng là một trở về trong một ra đi.
Như một trở về trong một ra đi, thơ và "nàng thơ" Vũ Thiên Kiều đã không là của riêng ai đơn nhất nhưng cũng thật riêng của chính Kiều. Một trở về trong một ra đi, du ca ấy như thời gian thơm thảo trong những hạt vàng siêng nhặt tháng năm.