Nhà thơ Minh Đan, tác giả của các tập thơ “Ngày không bọt”, “Phút 89”, “Phút bù giờ”… là một cây bút giàu năng lượng sống, năng lượng viết và nhiệt huyết với thi ca. Là nhà thơ tiếp xúc nhiều với giới trẻ, chị chia sẻ về hiện tượng “đu idol” đang phổ biến.
“Giới trẻ ngày nay có cuộc sống vật chất và tinh thần đủ đầy hơn thời của chúng tôi rất nhiều”, nhà thơ Minh Đan nói và đánh giá: “Các bạn không chỉ năng động, tự lập tài chính từ sớm, mà còn có nhiều ý tưởng sáng tạo, sự lựa chọn táo bạo. Trong thời đại bùng nổ công nghệ kỹ thuật số, giới trẻ biết tận dụng lợi thế văn hóa nghe nhìn như một kênh thông tin mở để tìm tòi, khám phá. Dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần một cú click chuột vào Google tìm kiếm những từ khóa mình muốn, ngay lập tức có cả thế giới trong tầm tay”.
Nhà thơ Minh Đan đặc biệt chú ý đến lứa tuổi 9x, thế hệ gen Z vì họ có nhiều cá tính sôi nổi, nhiệt huyết nhưng cũng khá bốc đồng. Các em đề cao cái tôi lớn và sự tự do cá nhân. Đồng thời rất dễ bị cuốn hút vào những trào lưu mới. Đơn cử là trào lưu “nằm ì” vừa nổi lên. Họ sẵn sàng bật chế độ “sạc pin” như một cách tôn vinh nhu cầu được nghỉ ngơi, hưởng thụ.
Từ bé, thần tượng của nhà thơ Minh Đan là các nhà thơ nữ như: Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Kim, Tôn Nữ Thu Thủy… Sau này có thêm Thu Nguyệt, Khánh Chi, Đinh Thị Thu Vân, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy, Hoàng Thụy Anh, Vũ Thanh Hoa, Trần Lê Sơn Ý, Vi Thùy Linh, Lữ Mai, Trần Mai Hường… Với chị, đó là những cây bút ấn tượng của nhiều thế hệ: “Tôi rất thích thú khi đọc các tác phẩm của họ và đắm chìm trong thế giới của họ. Với tôi, họ vừa là idol vừa là người truyền cảm hứng trong sáng tạo của mình. Tuy nhiên, tôi không rập khuôn theo idol mà luôn cố gắng tìm tòi để tạo hướng đi riêng, giọng thơ riêng”.
“Đu idol” (đu thần tượng) được sử dụng để chỉ hành động của người hâm mộ cuồng nhiệt các nghệ sĩ thần tượng. Cụm từ “đu idol” được sử dụng rộng rãi và liên tục khi diễn ra đêm biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink được tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua. Vậy hiện tượng “đu thần tượng” trong giới trẻ Việt Nam có những mặt tích cực và tiêu cực gì?
Nhà thơ Minh Đan có theo dõi sự kiện biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink được tổ chức tại Việt Nam. Chị chia sẻ có hơi bất ngờ trước sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam: “Sự xuất hiện của nhóm BlackPink tại sân Mỹ Đình (Hà Nội) vừa qua, khiến tôi liên tưởng đến Sơn Tùng MTP, Đen Vâu… của Việt Nam, cũng nhanh chóng cho thấy rõ tầm ảnh hưởng của mình khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ thể hiện tính chuyên nghiệp từ khâu tổ chức, đến sân khấu đẳng cấp quốc tế, màn trình diễn ấn tượng và đầy cuốn hút, đem lại cho người hâm mộ những đêm nhạc đã mắt, đã tai với đầy đủ các cung bậc cảm xúc”.
Theo nhà thơ Minh Đan, hai đêm nhạc biểu diễn của BlackPink tại Hà Nội là sự kiện “bản lề” cho ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam: “Sự thành công của nhóm nhạc đến từ xứ sở Kim chi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện sức mạnh và tiềm năng của nghệ thuật và văn hóa quốc tế, góp phần xây dựng một hình ảnh tích cực và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế trong tương lai”.
Tuy nhiên, với nhà thơ Minh Đan, “đu idol” không chỉ là hiện tượng, mà đang là một “hội chứng” dường như không có điểm dừng của giới trẻ. Việc săn đón vé VIP, không tiếc tiền sở hữu những món phụ kiện đắt đỏ, sưu tầm vật phẩm của các idol, theo dõi tất tần tật các hoạt động của nghệ sĩ… dần trở thành quen thuộc trong đời sống hàng ngày của giới trẻ tại nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa: “Tôi cho rằng điều đó cũng không có gì là không tốt. Quan trọng là giới trẻ biết đâu là giới hạn khi thể hiện sự hâm mộ thần tượng, để không biến thành trò cười cho mọi người là được”.
Nhà thơ Minh Đan cho rằng, tình trạng “đu idol” đang xâm nhập sâu vào giới trẻ. Vì vậy, các ông bố bà mẹ cũng cần thay đổi cách nhìn nhận và giáo dục cho phù hợp. “Việc thực hành thói quen làm bạn cùng con, trò chuyện nhiều hơn với con, tôn trọng sở thích của con, đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu nhau hơn… sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ. Và một khi giới trẻ cảm thấy mình đang có người thân bên cạnh để lắng nghe, để chia sẻ, tự dưng sẽ cảm thấy thế giới của mình rộng lớn và đáng tin tưởng hơn. Từ đó, các bạn trẻ sẽ biết cách cân bằng cảm xúc, biết tiết chế hành động và hành xử một cách có văn hóa, văn minh trước những vấn đề của xã hội”, nhà thơ Minh Đan nêu quan điểm.