Sẽ hình thành gần 700 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương.
Ngày 11/7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam”.
Hội thảo với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện lãnh đạo ban, bộ, cơ quan Trung ương, đại diện một số địa phương và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Dương Bá Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư giữ chức Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, đang có những vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.
Đơn cử, theo ông Đức có một số dự án giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải ví dụ đường vành đai 4-vùng Thủ đô được cấp có thẩm quyền giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền và được sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thanh toán khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.
Trong khi đó, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc dự án do trung ương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương; dự án do địa phương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương. Điều này dẫn đến vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thanh toán dự phòng ngân sách trung ương đối với các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của trung ương song được cấp có thẩm quyền giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền.
Do đó, ông Đức cho hay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các đơn vị và đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung các quy định Nghị định số 28/2021/NĐ-CP để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào Quý III/2023.
GS. Akash Deep, Trường Harvard Kennedy School nhìn nhận, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng là một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây. Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ, sân bay và cảng biển. Đầu tư công và tư nhân vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam đạt 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất Đông Nam Á và cao thứ hai châu Á chỉ sau Trung Quốc.
Tuy nhiên ông Akash Deep khuyến nghị, để thúc đẩy PPP cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong thời gian tới thì phạm vi đảm bảo mà Nhà nước có thể sẵn sàng cung cấp cho một dự án PPP cụ thể nên được mở rộng dựa trên quy trình thăm dò thị trường. Các điều khoản cụ thể của bảo lãnh cần được xác định thông qua đàm phán với các nhà thầu trong danh sách ngắn. Bên cạnh đó, Nhà nước nên coi bảo lãnh là cơ chế đầu tư thay thế, trong một số trường hợp, có thể hiệu quả hơn về mặt chi phí so với đầu tư trực tiếp của Nhà nước.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành dự kiến sẽ hình thành gần 700 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương. Thông qua các dự án này, dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên thực tế. Đơn cử như: về số lượng thì các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế; về lĩnh vực thì đầu tư PPP mới chỉ tập trung trong lĩnh vực giao thông; còn về nguồn lực thì nguồn vốn ngân sách chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt; hay như một số chính sách mới như cơ chế chia sẻ rủi ro được quy định tại Luật chưa đạt được nhận thức và thực hiện thống nhất giữa nhà đầu tư, cơ quan nhà nước và các đối tượng liên quan.
Với kỳ vọng thúc đẩy phát triển nhưng không hy sinh môi trường hay xã hội, ông An nhấn mạnh rằng, cần đảm bảo một cách chắc chắn rằng thực hiện PPP nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất của vốn đầu tư xã hôi nói chung. Nâng cao chất lượng của dịch vụ thiết yếu cho con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội ở tất cả mọi lĩnh vực của đất nước. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, hiệu lực hiệu quả của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển.