Trong bối cảnh doanh thu từ du lịch truyền thống “chạm đáy” vì dịch Covid-19, nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch ảo trong tình hình mới.
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề tới mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Để vực dậy sau một thời gian dài đóng băng, du lịch ảo được xem là hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành du lịch.
Vòng quanh thế giới qua công nghệ
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp và lâu dài nhất bởi dịch Covid-19. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong 2 năm 2020 và 2021, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng.
Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16%, đạt 31,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Trong bối cảnh doanh thu từ du lịch truyền thống sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch ảo trong tình hình mới. Thông qua sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng..., khách hàng có thể trải nghiệm cảm giác sống động y như thật của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng triển khai hệ thống du lịch ảo cho các điểm đến trên công nghệ thực tế ảo VR360 mang tên “Một chạm đến Đà Nẵng”. Qua đó, giới thiệu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng – nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Với công nghệ thực tế ảo VR360, du khách chỉ cần chạm vào điểm mình muốn khám phá, lập tức một không gian, điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng sẽ hiện ra trước mắt với hiệu ứng âm thanh, hình ảnh cực kỳ sống động.
VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” là sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng để hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, tour du lịch thực tế ảo VR360 chính là giải pháp cần thiết phải triển khai nhằm cung cấp thêm giải pháp công nghệ để tiếp cận điểm đến, tạo thêm trải nghiệm chân thực, chạm từng góc nhìn và nâng tầm giá trị du lịch Đà Nẵng.
Tại tỉnh Quảng Bình, dự án đưa hình ảnh Sơn Đoòng dưới dạng 360 độ ra toàn thế giới của National Geographic đã giúp Sơn Đoòng 360 độ trở thành tour du lịch VR hấp dẫn và đáng trải nghiệm nhất thế giới.
Gần đây, tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cũng đã được thực hiện với sự trợ giúp của kính VR, tai nghe..., người xem sẽ được ngắm quang cảnh hùng vĩ của thác Dải Yếm, nghe tiếng thác chảy, ngắm rừng thông bản Áng thơ mộng như ở ngoài đời thực.
Theo Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu, số hóa là bước đầu tiên để xây dựng du lịch ảo. Hiện, ban quản lý đã xây dựng được hơn 10 chương trình du lịch ảo và thử nghiệm quảng bá trên trang web của đơn vị này.
Nhiều địa phương khác như Lào Cai, Ninh Bình, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế… cũng đang triển khai nhiều chương trình du lịch ảo của tỉnh mình. Từ phạm vi cá nhân cho đến vĩ mô, có thể nhận ra từ thực tế rằng, du lịch trên nền tảng số đang có một bước chuyển biến mang dấu ấn rõ nét.
Làm gì để du lịch ảo không phải dịch vụ "ăn theo"?
Từng trải nghiệm một số chương trình du lịch trên nền tảng số, anh Nguyễn Việt Tú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, dịch bệnh khiến gia đình anh Tú không thể đi đâu trong hơn 1 năm qua. Trong bối cảnh bị bó chân, bó tay ở nhà, du lịch 3D phần nào làm thỏa mãn “cơn khát” du lịch của gia đình anh.
“Vừa ở nhà vừa được hòa mình vào thiên nhiên cũng là một trải nghiệm thú vị mà những tín đồ nghiện du lịch nên thử. Tất nhiên, hình thức du lịch này không thể mang lại các trải nghiệm đầy đủ như du lịch thực tế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, du lịch ảo là sự lựa chọn mới lạ”, anh Tú cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, du lịch ảo không chỉ giúp thỏa mãn “cơn khát” của những tín đồ ưa xê dịch mà còn giúp du khách tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế những rủi ro không thể lường trước trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp.
Quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành “công nghiệp không khói”. Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, hướng đi này càng khẳng định tính ưu việt khi các giao dịch du lịch theo phương thức truyền thống đang có xu hướng chuyển sang môi trường số.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, áp dụng công nghệ thực tế ảo là kênh quảng bá rất hiệu quả đối với ngành du lịch. Người dân có thể ngồi tại nhà nhưng vẫn tìm hiểu được các địa điểm du lịch một cách trực quan nhất, từ đó nuôi dưỡng mong muốn trải nghiệm du lịch trực tiếp trong mỗi người.
Tuy nhiên, theo bà Hương, để ngành du lịch thực sự phát triển thì công nghệ thực tế ảo là chưa đủ. Mấu chốt là từ trải nghiệm thực tế ảo, khách du lịch phải cảm thấy hấp dẫn và mong muốn được đi du lịch trực tiếp.
Đại dịch Covid-19 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chuyển đổi số chính là một phần của chiến lược này.
Tuy nhiên, để du lịch ảo không phải là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, ông Bình cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.