Sau huyện đảo Cô Tô, 5 xã đảo du lịch khác của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đã chính thức nói “không” với đồ nhựa dùng 1 lần.
Ngày 4/6/2021, Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” đã được phê duyệt, nhưng phải đến tháng 8/2022, Đề án mới được triển khai rộng rãi. Huyện đảo Cô Tô đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần trên đảo. Sau 1 năm thử nghiệm mang lại nhiều kết quả tích cực, từ 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng 1 lần lên các đảo.
Để triển khai quy định này, Công an huyện Cô Tô và Bộ đội Biên phòng đã lập chốt kiểm soát tại cảng Cô Tô. Các đơn vị vận tải, tàu khách, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú vừa phổ biến quy định vừa thay thế đồ nhựa bằng các đồ có chất liệu thân thiện với môi trường.
Đi dọc bờ biển, hay đường phố trung tâm của huyện Cô Tô ngày nay, không còn cảnh những túi bóng đủ màu bay lượn hoặc chôn vùi trong cát như trước nữa. Trong các nhà nghỉ, khách sạn, chủ cơ sở đã sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay thế các chai nhựa dùng 1 lần. Các túi giấy cũng đã được chuẩn bị sẵn, thay cho túi nilon khi khách cần dùng.
Chị Nguyễn Minh Huệ - chủ một homestay ở xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô), cho biết: Gia đình đã bằng mọi biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Thay vì đồ nhựa, gia đình đã dùng chất liệu mây, tre, cói, gỗ... để trang trí trong phòng.
Để giám sát việc thực hiện của người dân, thị trấn Cô Tô đã triển khai 40 Tổ tự quản vệ sinh môi trường động viên người dân chấp hành nghiêm chủ trương của huyện. Cùng với đó, hàng tuần các khu dân cư đều dành 1 ngày để ra quân dọn vệ sinh môi trường. Huyện cũng vận động các gia đình trên đảo tự trang bị thùng rác 2 ngăn để phân loại rác thải ngay tại nguồn.
Ngoài ra, các mô hình “biến rác thành tiền”, “hố ủ phân hữu cơ” cũng đang trở thành những điểm sáng lan tỏa; 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa dùng 1 lần…
Ông Vũ Văn Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô khẳng định: Nhờ những cách làm trên, môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt.
Nối tiếp sau huyện đảo Cô Tô, cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện Vân Đồn đã đưa ra một quyết sách mạnh mẽ. Đó là ngay từ ngày 27/4, cũng là ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày dịp 30/4 - 1/5, du khách tới 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi và Bản Sen không được mang theo các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Ông Lưu Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Minh Châu, chia sẻ: Đây là kế hoạch dài hơi của địa phương. Khi mới có dự thảo kế hoạch thì xã đã tổ chức hội nghị với các hộ kinh doanh du lịch của địa phương tuyên truyền cơ bản. Địa bàn xã có 2 khách sạn thì cả 2 đều thông tin trên trang mạng của mình khuyến cáo du khách đến với khách sạn không mang theo sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần, khách sạn sẽ miễn phí sản phẩm nước uống như lá vối đóng chai, làm lạnh phục vụ du khách.
Ở những vị trí cách xa đất liền, các huyện, xã đảo của Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải từ đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa khó phân huỷ. Do vậy, hoạt động làm sạch biển, thu gom và tái chế rác, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân huỷ đã và đang được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được triển khai thường xuyên, đem lại kết quả tích cực.